Luân chuyển để đào tạo, rèn luyện

Hoàng Mai 10/10/2017 08:05

Ngày 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định ban hành Quy định số 98/QĐ-TƯ về luân chuyển cán bộ trong đó nói rõ mục đích, yêu cầu; quan điểm, nguyên tắc; phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền, trách nhiệm; kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển; thời gian luân chuyển; nhận xét, đánh giá; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển; chế độ, chính sách; kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra quy định về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Nhận xét về vấn đề luân chuyển cán bộ, nhà báo Nhị Lê- Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ ra luân chuyển mà cách đây 10 thế kỷ ông cha ta đã nghĩ ra việc này. Đây là việc làm đã được luật hóa, thành chế tài của nhiều triều đại phong kiến. Ngay cả khi cách mạng Việt Nam còn ở trong thời kỳ hoạt động bí mật, lúc đó, chúng ta làm mà không nói; lúc chưa cầm quyền, điều chuyển cán bộ của Đảng đi khắp nơi; chỗ nào nhiệm vụ cần kíp thì có cán bộ cốt cán của Đảng; nói chung hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu công tác. Đặc biệt, những ngày đầu tiên thành lập Đảng, chúng ta đã luân chuyển cán bộ, gây dựng phong trào khi phong trào yêu cầu. “Đi luân chuyển ngày xưa thực chất cũng là một hình thức khảo thí quan lại; là hình thức khảo thí bằng công việc. Các cụ có tài hơn chúng ta nhiều. Có những luật bảo đảm cho việc luân quan một cách rất chủ động”- ông Nhị Lê nhận xét.

Riêng trong 2 nhiệm kỳ gần đây (nhiệm kỳ X và XI), Đảng ta đã đưa ra chủ trương luân chuyển cán bộ khá mạnh mẽ. Việc luân chuyển mới khởi động lại một cách hệ thống, bài bản từ ĐH X bằng Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ XI, chúng ta đã luân chuyển được 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp. Trong đó, luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải người địa phương với 3.121 lượt cán bộ. Đặc biệt, có 53 cán bộ được luân chuyển giữ chức danh phó bí thư (25 trường hợp) và phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (28 trường hợp) theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014. Còn cả nhiệm kỳ là 127 người.

Theo đánh giá chung thì việc luân chuyển này đã có tác động tích cực, góp phần quan trọng vào việc đào tạo cán bộ trong thực tiễn, theo quy hoạch. Nhiều cán bộ luân chuyển đã trưởng thành hơn; tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn; nhiều cán bộ trong số này đã có đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nếu nhìn vào kết quả đạt được của nhiệm kỳ khóa XI có thể thấy rõ: Chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng là kịp thời, phù hợp và sát với nhu cầu thực tiễn. Nói như vậy là bởi, cấp ủy nào cũng có nhu cầu xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Chủ trương đúng lại nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự tham mưu của các cơ quan liên quan nên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Về phía địa phương, nhiều nơi cũng tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển “thi thố” tài năng. Bản thân nhiều cán bộ được luân chuyển cũng đã bắt nhanh với môi trường mới và phát huy được năng lực của mình.

Nhưng, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia, bên cạnh những mặt tích cực, luân chuyển cũng không có hạn chế. Thứ nhất là về nhận thức của cấp ủy địa phương chưa thực sự đầy đủ nên không bố trí công việc cho cán bộ phù hợp với năng lực, trình độ. Nhiều nơi chỉ coi như người “gửi nhờ” từ Trung ương nên thường hay bố trí công việc theo kiểu ít ảnh hưởng nhất đến công việc của địa phương. Nói cách khác, phải chăng, chúng ta chưa tính toán đến điều kiện cần và đủ cho một cuộc luân chuyển.

Đặc biệt là chưa có chính sách cụ thể cho người đi luân chuyển. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ đi luân chuyển cũng chưa kịp thời. Còn với bản thân cán bộ, sau khi luân chuyển xong trở về cái được nhất là được ở sự trưởng thành nhưng lại không ai tính đến; mà chỉ tính đến sự phát triển trong thang bậc quan lại. Phân tích các khía cạnh này, ông Nhị Lê đặt vấn đề, vì thế, cho nên mới có sự phức tạp trong quá trình luân chuyển: Chọn ai, đi đâu, giữ chức vụ gì? Ba điều đó mới sinh ra chạy luân chuyển. Chứ còn bản chất của luân chuyển là hết sức đúng đắn nếu làm đúng, đánh giá cho đúng.

Có lẽ, sau quá trình tổng kết rút kinh nghiệm của 2 nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 98 với nhiều điểm khá rõ ràng trong định hướng. Quy định nêu rõ, kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hay như việc, Quy định cũng nêu cụ thể: Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; quan tâm lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển… Tất cả những điểm rõ ràng trong Quy định 98 đã cho thấy, Đảng đang cố gắng đưa công tác luân chuyển đi vào một quỹ đạo chung nằm trong thế bố trí chiến lược về cán bộ; tạo tiền đề xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, có năng lực, bản lĩnh phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luân chuyển để đào tạo, rèn luyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO