Lực đẩy tinh giản biên chế

Lục Bình 08/04/2017 08:00

Theo Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Chính phủ xác định, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu giảm 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015, năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015.

Xuất phát từ thực tế, tới thời điểm này một số địa phương cũng đã chủ động sắp xếp cho các đơn vị sự nghiệp “ra ở riêng”, tạo lực đẩy cho công cuộc tinh giản biên chế.

Sở Nội vụ TP Hà Nội vừa cho biết, tính đến hết quý I/2017, TP Hà Nội đã cơ bản sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đã rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 630 đơn vị xuống còn 376 đơn vị (giảm 254 đơn vị).

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2017 TP Hà Nội tiếp tục xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến 2021 tối thiểu 10%. Với biên chế công chức hành chính, thực hiện theo đúng số biên chế mà Chính phủ giao cho Hà Nội là 9.116 công chức, giảm 1,5%.

Biên chế viên chức sự nghiệp tại các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, các đơn vị sự nghiệp khác tiếp tục giảm 2%. Như vậy, không chỉ đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức mà đối với khối sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, Hà Nội cũng đã gặt hái được những kết quả bước đầu.

Địa phương được cho là có nhiều cách làm hiệu quả trong thực hiện bài toán tinh giản biên chế không thể không kể đến Quảng Ninh. Bà Trịnh Thị Minh Thanh- Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh cho biết: Hiện tại hầu hết các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tự chủ với mức tự chủ từ 30% đến 100%. Kết quả thu được từ việc nhanh chóng cho các đơn vị sự nghiệp “ra ở riêng” này là 81,2 tỷ đồng, trong đó các cơ quan, đơn vị khối tỉnh quản lý tiết kiệm 75 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố tiết kiệm 6,2 tỷ đồng.

“Dự kiến kinh phí tiết kiệm năm 2017 do giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp là 85,1 tỷ đồng”- bà Thanh cho biết thêm.

Trong khi Hà Nội, Quảng Ninh tăng tốc khá nhanh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế bằng việc sắp xếp lại các phòng, ban đơn vị cũng như dần dần tách các đơn vị sự nghiệp ra để không ngốn thêm kinh phí từ ngân sách, thì rất nhiều tỉnh thành “án binh bất động” trong thực hiện chủ trương này.

Thế nên đến cuối năm 2016 chỉ có 18.839 người trên cả nước vào diện tinh giản biên chế. Hiện các bộ, ngành, địa phương gửi kế hoạch tinh giản biên chế đến cuối tháng 6/2017 về Bộ Nội vụ, tuy nhiên con số tinh giản ước đến tháng 6/2017 sẽ là 22.135 biên chế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nếu lấy mốc biên chế được giao từ năm 2015 đến nay thì số tinh giản biên chế này không đạt yêu cầu đề ra là bình quân mỗi năm, bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 1,5% biên chế được giao năm 2015.

Cần nhắc lại, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị chỉ rõ, “Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của từng Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp”.

Như vậy, ngoài giảm 10% công chức, các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch giảm, hoặc đẩy nhanh tiến độ tự chủ để giảm 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện nghiêm nội dung này.

Có lẽ, chính vì lẽ đó, đầu năm 2017, Bộ Nội vụ đã phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải đẩy mạnh tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng đề án tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và hàng năm phải có kế hoạch cụ thể theo lộ trình để tinh giản. Trên cơ sở đó, những đơn vị, địa phương nào tinh giản chưa đạt tỷ lệ quy định trong thời gian qua thì sắp tới phải nâng tỷ lệ tinh giản biên chế 1,5 -2% mỗi năm, để đến năm 2021, trong toàn hệ thống chính trị tinh giản biên chế phải đạt tối thiểu 10%.

Một giải pháp được cho là tạo cú hích cho công cuộc tinh giản biên chế theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đó là Chính phủ cũng khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là chủ trương rất quan trọng buộc các Bộ, ngành địa phương phải có câu trả lời cụ thể trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án về thực hiện đổi mới về cơ chế quản lý và cơ chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đề án sẽ xoay quanh 5 vấn đề rất quan trọng, đó là đẩy mạnh phân cấp (phân cấp về quản lý và tài chính), đề xuất chuyển từ phí qua giá để các đơn vị sự nghiệp công lập đủ thu đầu vào và hạch toán được đầu ra, đảm bảo hoạt động tự chủ được vấn đề tài chính của mình.

Cùng với đó, nghiên cứu từng bước xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển qua hỗ trợ cho đối tượng hưởng thụ các dịch vụ công lập này, như các hộ nghèo, hộ chính sách... để đảm bảo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp tư để khuyến khích họ cạnh tranh với nhau, đưa đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao về chất lượng dịch vụ công, thu hút, giải quyết được việc làm cho xã hội.

Như vậy, đưa các đơn vị sự nghiệp ra ở riêng là điều sẽ phải làm mạnh mẽ để đạt mục tiêu giảm biên chế ở khối sự nghiệp đồng thời tăng chất lượng phục vụ ở khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lực đẩy tinh giản biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO