Lương-mặt trái của đãi ngộ

Nam Việt 31/05/2016 09:07

“Để đào tạo một kỹ sư, thạc sỹ công nghệ vũ trụ phải đầu tư hơn 250 nghìn USD (gần 6 tỷ đồng), thế nhưng khi về Việt Nam trả lương mấy triệu đồng (khoảng 3 đến 5 triệu đồng/tháng), như thế có phung phí không?” – đó là cách mà PGS.TS Phạm Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia nói về thực trạng đãi ngộ đối với những người làm công tác khoa học vũ trụ tại chính Trung tâm Vệ tinh quốc gia hiện nay. Nhưng, thực chất thì việc đãi ngộ “không tới” không chỉ khoanh lại trong giới khoa học mà còn

Lương-mặt trái của đãi ngộ

Việc làm vẫn là vấn đề lớn đối với giới trẻ.

Còn nhớ, trong một kỳ Quốc hội năm 2015, một đại biểu TP HCM đã đặt vấn đề: Lương cử nhân mới ra trường phải được 10 triệu đồng/tháng mới phù hợp, còn thì hơn 2 triệu đồng/tháng thì chỉ đủ tiền thuê nhà, không đủ tiền ăn. Cử nhân đi làm rồi vẫn phải sống dựa vào trợ cấp của gia đình, cho nên không toàn tâm toàn ý với công việc, cũng như đành phải ăn bớt giờ của nhà nước để “chân ngoài dài hơn chân trong”. Đó là chưa kể đến một số người “đói ăn vụng, túng làm càn” đã sa chân vào tiêu cực, nhũng nhiễu, làm khó người khác để kiếm tiền.

Đối với đại đa số cán bộ, viên chức, người lao động thì lương là khoản thu nhập chính. Cho nên, lương thấp sẽ dẫn đến khó khăn. Mỗi lần Hội đồng lương quốc gia họp, người ta lại xôn xao về chuyện nâng lương tối thiểu, chỉ thêm vài ba chục ngàn, vài ba trăm ngàn đồng 1 tháng nhưng cũng đã là cả một vấn đề.

Tất nhiên, ngân sách không phải là bầu sữa vô hạn, nhưng việc người lao động chân chính mong muốn được hưởng lương cao hơn là điều dễ hiểu và cần được chia sẻ. Không ai nghi ngờ lương chính là đòn bẩy kinh tế, không chỉ để nuôi sống người lao động, gia đình họ, mà còn đem lại dộng lực trong công việc, chưa nói đến cống hiến. Phấn đấu học hành cũng là để có được một nghề nghiệp tốt, một vị trí công tác tốt, hưởng thụ tốt.

Nhưng xem ra, cả ba việc ấy đều khó, và cái khó lâu dài chính là lương và sự đãi ngộ. Cùng với đồng lương, ai may thì được làm việc ở những đơn vị làm ăn có lãi, được chia thưởng cao; còn ai không may (cho dù cùng một bằng cấp, một trình độ) lại phải chịu sự thu nhập thấp như một lẽ… tự nhiên.

Nhân đây, cũng cần nói tới đầu tư cho việc học. Hiện, tính từ bậc học mầm non cho tới đại học, sau đại học, chi phí là rất lớn. Trước khi giáo dục là quốc sách thì thực tế giáo dục đã là “gia sách” rồi. Với nhà khá giả không nói, còn với đại đa số các gia đình việc đầu tư cho con học hành tới nơi tới chốn, đằng đẵng mười mấy năm trời quả là một sự cố gắng phi thường. Không ít nhà đã phải bán cả vườn tược để có tiền cho con đi học.

Nhiều nhà phải vay lãi ngân hàng, không loại trừ vay cả tín dụng đen để con được học hành tử tế. Nhưng rồi, khi ra trường, may mà có việc làm, thì thu nhập lại quá thấp, có cảm giác như điều gì đó rất không phải. Đã vậy, không ít người cầm tấm bằng cử nhân trong tay, không làm sao xin được công việc đúng với ngành đào tạo, đành chuyển nghề, bỏ nghề, giã từ giấc mơ của cuộc đời.

Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp được thống kê ngày một tăng theo thời gian. Thật quá buồn khi đang xảy ra tình trạng cử nhân phải giấu bằng cấp để xin đi làm công nhân may hay mở quán, đi làm những việc giản đơn. Tất nhiên, ở đây có vấn đề đào tạo thiếu kế hoạch, nạn thừa thấy thiếu thợ, nhưng ở góc độ nào đó thì chính là sự lãng phí. Lãng phí của gia đình và lãng phí của xã hội.

Trong các ngành nghiên cứu khoa học, vốn dĩ là cao quý, thì do không có nguồn doanh thu nên gần như chằn chặn chỉ có đồng lương. Chính vì thế không ít cán bộ khoa học chán nản, tìm cách làm ngoài, có người bỏ việc chuyển sang lĩnh vực khác, cũng chỉ là để có thu nhập cao hơn. Việc chảy máu chất xám đã được nói nhiều nhưng đến nay vẫn không chấm dứt, mặt khác là có chiều hướng gia tăng.

Trở lại việc đào tạo 6 tỉ đồng mà trả lương 3 đến 5 triệu đồng/tháng, không chỉ thấy việc người làm khoa học được nhận lương quá thấp mà còn nổi lên việc đào tạo rất lãng phí. Với mức lương “kích thích” như vậy, không hiểu những nhà nghiên cứu khoa học này có thể đảm bảo cuộc sống, yên tâm, toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu, ứng dụng để đến khi nghỉ hưu có thể “thanh lý” được 6 tỉ đồng đào tạo kia không.

Thời gian qua, người ta cũng chứng kiến việc một số địa phương “trải thảm đỏ” mời những người có bằng cấp cao về làm việc. Lúc đầu, việc đó làm nức lòng những người mải miết theo đuổi con đường học vấn. Nhưng thời gian trôi đi, mọi sự lại trở về điểm xuất phát. Và cũng không có một kết quả rà soát nào xem thử những người “bước trên tấm thảm đỏ” ấy hoạt động ra sao, gắn bó và hiệu quả đến đâu?

Và khi chưa có một kết quả được chứng thực từ thực tiễn thì khó có thể kết luận là chính sách “trải thảm đỏ” trên đang thu được kết quả tốt đẹp như mục tiêu ban đầu của nó. Nước ta nhiều người có bằng cấp cao, mỗi năm lại không ít thủ khoa được ghi danh vào “sổ vàng”, nhưng có lẽ chính từ việc đãi ngộ quá thấp nên họ đã không phát huy được tác dụng.

Cuối cùng, cũng có thể nói về sự công bằng trong đãi ngộ. Đúng là không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng. Cùng học hành như nhau, năng lực như nhau, nhiệt huyết như nhau…, nhưng lại trông nhờ vào may rủi làm việc ở chỗ “ngon” hay không. Hưởng thụ phải công bằng chứ không thể trông chờ vào may rủi như mua xổ số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương-mặt trái của đãi ngộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO