Một dự án không sạch

Hà Trọng Nghĩa 24/07/2017 08:05

Những ngày cuối tuần qua, thông tin liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 “vật chất” xuống biển Tuy Phong tỉnh Bình Thuận lại làm nóng dư luận.

Trong đó đáng chú ý là việc TSKH Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học khẳng định mình không hề tham gia dự án này; và việc Bộ Công thương cho tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, nhưng lại điều hành doanh nghiệp xây dựng đề án nhận chìm bùn thải ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đơn vị xin phép nhận chìm 1 triệu m3 vật chất xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận).

Trước tiên là vụ việc liên quan đến TSKH Nguyễn Tác An.

Ngày 20/7, khi biết có tên trong danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án “nhận chìm” chất thải xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận), ông An đã lên tiếng phản bác.

TS An khẳng định, từ trước đến nay, cả chủ dự án lẫn đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam) không nói bất cứ điều gì với ông về dự án nói trên, mà họ đã tự ý “lôi” tên ông vào.

“Tôi không nghĩ người ta có thể làm những chuyện quá sức tưởng tượng như vậy”- ông An nói. Trước đó, TS Nguyễn Tác An cùng một số nhà khoa học khác từng đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường tạm dừng triển khai thực hiện dự án “nhận chìm vật chất”- dù đã cấp phép để tìm giải pháp khác.

Nhưng, đáng ngại hơn là không chỉ một mình TS An bị “lôi” vào dự án mà còn có thêm ít nhất là 2 người khác (3 trong tổng số 14 thành viên). Đó là ThS môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và ThS công trình biển Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển).

Trên thực tế, dự án nhận chìm khoảng 1 triệu m3 chất thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) đã nhận được rất nhiều ý kiến can ngăn, cho dù đại diện Bộ TNMT cho biết đã khảo sát, nghiên cứu kĩ lưỡng và hoàn toàn kiểm soát được tình hình.

Tại cuộc họp HĐND tỉnh Bình Thuận, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan ngại về ô nhiễm môi trường biển khi dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, nơi chôn chất thải lại khá gần với khu bảo tồn biển Hòn Cau và cũng lại là ngư trường truyền thống của ngư dân trong vùng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, không thể không tác động môi trường khi đổ tới 1 triệu m3 vật chất xuống biển. Cần phải tìm hiểu kĩ lưỡng, hoặc tìm giải pháp khác cho việc xử lý chất thải thay vì đổ xuống biển.

Bài học về những sự cố môi trường sông, biển thời gian qua là những bài học đắt giá, vì đã làm xáo trộn cuộc sống người dân; đồng thời việc xử lý môi trường bị ô nhiễm là hết sức khó khăn.

Một động thái khác cũng rất đáng lưu ý, đó là kiến nghị của Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện cấp phép của Bộ TNMT về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải. Hội này kiến nghị cho thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép 1517 của Bộ TNMT.

Theo Hội Nghề cá, vùng nhận chìm 1 triệu m3 chất thải là vùng nước có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều vùng khác; đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhuyễn thể sinh sống.

Gần đó là khu bảo tồn Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn san hô, là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh để từ đó lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung.

Trong kiến nghị của mình, Hội Nghề cá đặt câu hỏi: Tại Bình Thuận dự kiến có 5 nhà máy nhiệt điện. Ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn thải ra biển, các nhà máy khác sẽ đổ bùn đi đâu, hay tiếp tục mang ra vùng biển này để đổ?

Trở lại với việc Bộ Công thương cho tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Hà Quốc Quân. Trong dự án này ông Quân là giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án.

Ông Quân đang là viên chức lại tham gia điều hành doanh nghiệp, hơn nữa lại là doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới nơi ông đang công tác trên cương vị lãnh đạo. Như vậy, ông Quân đã vi phạm điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức- quy định viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Từ chỉ đạo của Bộ Công thương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Quân để kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Quân theo quy định.

Như vậy, từ những lo ngại nguy cơ mất an toàn môi trường biển khi cho phép nhận chìm khối lượng chất thải lớn, đã lộ ra những sai phạm khác.

Việc đưa tên một số người vào danh sách tư vấn cho dự án, trong khi không có thực, là điều rất nguy hiểm. Việc đó chỉ có thể lý giải rằng họ đã cố tình lập ra một danh sách “ma” lấy đó làm cơ sở để cơ quan quản lý thông qua dự án.

Đặt giả thiết, nếu việc nhận chìm chất thải gây ô nhiễm môi trường, thì những người trong danh sách “ma” kia sẽ liên đới ra sao về mặt pháp luật?

Uy tín khoa học, uy tín làm nghề của họ có còn không? Vấn đề ở đây là phải tìm cho ra ai là người đưa ra danh sách ấy, thông qua danh sách ấy chứ không thể nói một cách đơn giản là nhầm lẫn của thư ký.

Còn việc ông giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (đơn vị nhà nước), nhưng lại điều hành doanh nghiệp xây dựng đề án “nhận chìm vật chất” ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1, chính là việc vi phạm pháp luật hiện hành.

Phải chăng ông này đã lập ra sân sau cho mình, lấy dự án của nhà nước về cho doanh nghiệp “nhà” hòng kiếm lợi nhiều nhất.

Cái kiểu hành xử “vừa là trọng tài vừa là cầu thủ” như vậy sẽ làm hỏng công trình, dự án vốn nhà nước, vì nhiều khâu trong quá trình xét duyệt dự án sẽ được nương nhẹ, bỏ qua, kể cả khi nghiệm thu lần cuối dự án để hoàn công cũng sẽ rất đơn giản.

Thôi thì cũng không thể kết luận ngay rằng việc nhận chìm chất thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 như dự kiến sẽ gây ảnh hưởng môi trường biển; nhưng với những khuất tất mới lộ ra thì dư luận có quyền nghi ngờ điều đó.

Khi đã có sự gian dối, đã có sự vi phạm pháp luật thì không thể nói đó là một dự án sạch, mà phải nói đó là một dự án không sạch.

Vì vậy, để tiến hành được những bước tiếp theo thì trước hết và rất cần thiết là phải làm sạch dự án. Ai làm sai phải bị xử lý, phải bị thay thế bằng những người mới với cách làm công khai, minh bạch và đúng đắn, có giám sát.

Không vì thân hữu hay lợi ích nhóm. Mà muốn làm được điều đó thì cũng cần thời gian. Vì thế, việc cho triển khai nhận chìm “vật chất” xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) rất cần phải được xem xét hoãn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một dự án không sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO