Một khúc ruột đau

Thành Vĩnh 28/06/2018 09:00

Là người Việt Nam, không ai, vào những ngày này có thể bình tâm trước những thông tin đau thương từ vùng lũ các tỉnh phía Bắc dội về - một khúc ruột đang đau. Một phần máu thịt Việt Nam đang trong cơn hoạn nạn. Mưa lũ, lũ quét và sạt lở đang cướp đi nhà cửa, tài sản và tính mạng đồng bào, ở những vùng đất vốn đang là nơi khó khăn bậc nhất.

Một khúc ruột đau

Nguồn lực được huy động từ toàn xã hội hiện nay để cứu trợ cho những vùng đất gặp hoạn nạn từ bão lũ là vô cùng cần thiết.

Hình như chả có năm nào, không có một phần đất nước phải gánh chịu những sự tàn phá của thiên nhiên.

Miền núi phía Bắc giống như lần này là mưa lớn, lũ dâng cao, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá…

Các tỉnh ven biển miền Trung thì oằn người đón bão…

Để thấy, công cuộc xóa đói giảm nghèo còn lắm gian nan. Một hộ vừa thoát nghèo, một hộ cận nghèo chỉ sau một lần bão lũ là lại trở thành nghèo.

Đất nước còn lắm gian lao. Để thấy công cuộc Vì người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, còn là công cuộc thiết thực, bền bỉ và lâu dài để thắp sáng tình nghĩa đồng bào, để sưởi ấm lòng người hoạn nạn, để đạo lý dân tộc sáng ngời lên.

Nhiều người bảo rằng không dám nhìn những hình ảnh từ vùng lũ gửi về.

Thân thể đồng bào dù là ai chăng nữa cũng là một khúc ruột đau. Xót xa tận tâm can.

Những ngôi nhà bị lấp trong bùn đất, những mảng núi sạt lở, những trại nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, những con đường bị chia cắt, cô lập…

Những người dân mất người thân, mất nhà cửa, mất hết tài sản, tay trắng giữa trời mưa sầm sập… Còn gì đau thương hơn nữa!

Nhanh lắm, thủy hỏa đạo tặc, chỉ trong vòng vài ngày, hình ảnh lũ lụt từ các tỉnh miền núi phía Bắc gây lên một nỗi khắc khoải, chứa chan thương cảm.

Ứng phó với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện kịp thời chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết, hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến Lai Châu, chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu bố trí chỗ ở tạm cho các gia đình bị mất nhà cửa, tổ chức cứu trợ khẩn cấp, với quyết tâm không để người dân bị đói.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, một miếng khi đói bằng một gói khi no… tinh thần tương trợ, đạo nghĩa dân tộc Việt Nam lá lành đùm lá rách lại sáng lên.

Bên cạnh hành động kịp thời của Chính phủ trong việc chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau bão lũ, chắc chắn rồi đây những tấm lòng của người dân cả nước sẽ khắc phục phần nào những khó khăn vật chất, sưởi ấm tình nghĩa đồng bào vùng hoạn nạn.

Bởi vì đó không phải chỉ là giá trị vật chất mà còn là sự tiếp sức có ý nghĩa tinh thần to lớn, không phải chỉ với người dân vùng lũ, mà còn với bất kỳ người Việt Nam nào.

Để người dân vùng hoạn nạn dù trong khốn khó, thiếu thốn sau cơn bão lũ vẫn biết mình không đơn độc, và để những người dân khắp cả nước có dịp kiểm chứng về tình người, về tinh thần đoàn kết dân tộc.

Về tinh thần tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt mình, như một đạo lý để dân tộc này trường tồn!

Thương người như thể thương thân là một tư tưởng nhân văn cao cả của người Việt, luôn được thắp lên trong hoạn nạn.

Thiên tai trong những ngày qua đã cướp đi mấy chục mạng người. Rồi lũ sẽ rút, nhưng để tái thiết cuộc sống là việc không dễ dàng, nhất là đối với những người dân vốn đã ở vùng đất khó.

Việc cứu trợ kịp thời và các biện pháp lâu dài để ổn định cuộc sống cho người dân là cần thiết, từ Nhà nước cũng như sự chia sẻ từ đồng bào cả nước là đáng quý.

Nhưng một trận lũ xảy ra rất nhanh khiến đồng bào trở tay không kịp, hậu quả và thiệt hại rất nặng nề, đang nói lên điều gì?

Và những giải pháp căn cơ cần phải đặt ra là gì?

Lũ quét, sạt lở mà ngày hôm nay chúng ta đang phải gánh chịu có liên quan gì không đến việc rừng đầu nguồn bị tàn phá, đến việc khai thác khoáng sản và đến cả việc phát triển thủy điện?

Nguồn lực được huy động từ toàn xã hội hiện nay để cứu trợ cho những vùng đất gặp hoạn nạn từ bão lũ là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, còn đang cần hơn cả là chính sách cho vùng đất ấy, đảm bảo hài hòa giữa nguồn lực từ con người, từ thiên nhiên.

Ứng phó với thiên tai khắc nghiệt đang là một thách thức của xã hội hiện đại.

Chủ động ứng phó là đã là câu nói cửa miệng được nhắc đến mỗi ngày trên toàn thế giới.

Vấn đề là chúng ta đang làm gì để tránh biến đổi khí hậu, để xây dựng đời sống thích ứng và hòa hợp với thiên nhiên?

Như muối mặn, gừng cay, lòng khế xót; tình cảm của đồng bào cả nước đang hướng tới đồng bào vùng lũ.

Từ những nghĩa cử cao đẹp, đơn lẻ sẽ trở thành một khối đồng lòng, một tinh thần nhân văn, nhân nghĩa Việt Nam.

Đối mặt với hiểm nguy, trong gian khó vô cùng, phẩm chất người Việt vẫn ngời sáng, hướng về một phần đất đai và đồng bào ruột thịt đang oằn mình trong lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một khúc ruột đau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO