Một lần thất tín...

Thanh Giang 25/07/2018 08:00

Những ngày qua, dư luận lại xôn xao về dấu hiệu gian lận thương mại của nhà phân phối nổi tiếng Con Cưng. Người tiêu dùng chuộng sản phẩm Con Cưng cung cấp rất hoang mang khi trước thông tin doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm về nhãn mác, xuất xứ sản phẩm. Hiện tượng “vạn lần bất tín” đã không còn xa lạ trên thương trường trong thời gian qua. Nhiều “thượng đế” thất vọng vì niềm tin vào sản phẩm chất lượng bị đánh cắp.

Một lần thất tín...

Quản lý thị trường kiểm tra hệ thống siêu thị Con Cưng.

Nguồn gốc của sự việc xuất phát từ việc một khách hàng tại TP HCM phản ánh về sai phạm của doanh nghiệp sau khi mua một số sản phẩm dành cho trẻ em ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Con Cưng (quận Tân Bình). Vị khách hàng phát hiện một bộ quần áo dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ, thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Tương tự với tình trạng gian lận về nhãn mác, xuất xứ sản phẩm vừa phát hiện, trước đó vào tháng 10-2017, thị trường khăn lụa thương hiệu Việt rúng động khi khăn lụa Khaisilk gắn hai mác “Khaisilk” và “made in China”. Biện giải về tình trạng trà trộn của chiếc khăn có hai nhãn, phía đại diện thương hiệu cho rằng có nhầm lẫn ở bộ phận kho hàng. Cụ thể, do nhân viên lấy nhầm lô hàng sản xuất cho khách hàng Hong Kong, may riêng nhãn mác “made in China” theo yêu cầu.

Hai sự cố của hai nhãn hiệu đình đám trên thiết nghĩ cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng” trên thị trường tiêu dùng hiện nay. Thời gian qua vô số sự việc gian lận thương mại từ những thương hiệu nổi tiếng được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Cảnh báo về gian lận thương mại không giới hạn ở không gian của mô hình kinh doanh truyền thống, phân phối hiện đại, loại hình thương mại điện tử cũng đáng được chú ý. Không ít người tiêu dùng phản ánh giá mua hàng không tương xứng với giá trị và chất lượng.

Bởi vì quy trình đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử hiện nay quá đơn giản, chất lượng chưa được kiểm duyệt. Rõ ràng, vì lợi nhuận, vì doanh thu, rồi con số tăng trưởng kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp sớm đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, cảnh báo gian lận thương mại rất nhiều, song hậu quả để lại đôi khi không phải là hình phạt liên quan vấn đề thượng tôn pháp luật. Doanh nghiệp làm ăn không chân chính phải đón nhận chính là giá trị chữ tín bị bán quá rẻ.

Không chỉ “một lần thất tín, vạn lần bất tin”, mà tình trạng “vạn lần thất tín” đã không còn xa lạ trên thương trường, khi các cơ quan chức năng vẫn đang phải đương đầu với vấn nạn hàng gian, hàng giả.

Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, năm 2018 có 51% người tiêu dùng vẫn ưa thích hàng Việt, 60% thường mua sản phẩm Việt. Thế nhưng, so với năm 2017 tỷ lệ này sụt giảm lần lượt là 27% và 32%. Nguyên nhân có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay là do một số doanh nghiệp tên tuổi, thương hiệu khá đình đám làm ăn thiếu minh bạch, chụp giật. Tình trạng chất lượng hàng hóa không ổn định, trà trộn hàng kém chất lượng,… đang gây mất niềm tin đối với phần lớn người tiêu dùng.

Trong thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, việc sản xuất kinh doanh không đơn giản, có khi vạn người bán một người mua, thay vì một người bán vạn người mua như trước đây.

Trước yêu cầu đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải vật lộn trên thương trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu bền vững.

Rõ ràng, xây dựng thương hiệu rất khó, cho nên việc giữ gìn thương hiệu càng khó hơn. Doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, có chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Mở rộng hệ thống phân phối một cách hiệu quả, chăm sóc khách hàng tốt nhất có thể. Đối với người tiêu dùng, nên nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Tuyệt đối nói không và tẩy chay sản phẩm gian lận thương mại.

Đồng thời, phát hiện, thông báo kịp thời những dấu hiệu sai phạm để cơ quan chức năng xử lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu đặt ra hiện nay, cần có những chiến dịch thiết thực để tuyên chiến với hàng giả, hành vi ăn gian làm dối, sản xuất phân phối hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo an ninh kinh tế.

Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý gian lận thương mại. Chú trọng xử lý mạnh tay tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật với đối tượng sản xuất, kinh doanh; công khai danh tính tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường hoạt động quản lý, nhất là những loại hình bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử, tránh tình trạng quản lý lạc hậu, không bắt kịp xu thế chung của thị trường.

Theo Google & Temasek, từ năm 2015 - 2025 thương mại điện tử Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 33 - 35% hàng năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng của ngành bán lẻ truyền thống làm thay đổi mạnh mẽ trong cách thanh toán cho các giao dịch.

Về phía Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt trên 25% trong năm 2017. Tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một lần thất tín...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO