Một mũi tên nhắm hai đích

Minh Phương 26/10/2019 09:30

Đầu tháng 11 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang làm việc để đánh giá việc khắc phục thẻ vàng IUU với nghề cá Việt Nam. Như vậy, chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa, số phận của chiếc “thẻ vàng” mà phía châu Âu áp cho Việt Nam hai năm qua sẽ được định đoạt. Đổi màu xanh hay đỏ, đó vẫn còn là câu chuyện của ngày mai. Song, xem lại ngày hôm qua và cả một quãng thời gian 2 năm về trước, chúng ta đã và đang làm được những gì để có thể giành lại tấm thẻ xanh cho ngành thủy sản xuất khẩu.

Một mũi tên nhắm hai đích

Nuôi trồng hải sản - hướng phát triển bền vững.

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành từ Trung ương tới địa phương trong hai năm qua là rất lớn. Hàng loạt các văn bản pháp luật đã được nhà quản lý đưa ra với mục tiêu đáp ứng 4 nhóm khuyến nghị của EC, trong đó phải kể đến việc chúng ta đã gấp rút hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, việc quản lý tàu cá cũng được các địa phương tăng cường đồng thời đưa ra những giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài…

Đặc biệt, ngay khi chúng ta phải nhận “án thẻ vàng”, một Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU đã sớm được thành lập và Ban Chỉ đạo này đã gấp rút bắt tay ngay vào hoạt động, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã xây dựng kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị; tập trung triển khai thực hiện, đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu số tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, như các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên… Có thể thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với mục tiêu cao nhất, đó là tháng 11 này sẽ giải tỏa mọi điểm nghẽn liên quan đến chiếc thẻ vàng IUU, giành lại tấm thẻ xanh cho ngành thủy sản nước nhà.

Nhìn lại bức tranh ngành thủy sản 2 năm qua, thừa nhận rằng những khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam là có, khi bị châu Âu áp thẻ vàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sụt giảm mạnh. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ đạt khoảng 260 triệu USD, thấp hơn nhiều so với thời điểm chúng ta chưa bị “dính” thẻ vàng. Và từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam, thị trường EU “tụt dốc” một cách nhanh chóng, xuống đứng thứ vị trí thứ năm chỉ trong vòng 2 năm. Chúng ta biết rất rõ, EU là một trong số các thị trường quan trọng của hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được các vấn đề về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản mà các DN Việt Nam xuất khẩu chắc chắn sẽ không thể vào được thị trường EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đã không ít lần được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhấn mạnh.

Mới đây, chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng Ban Chỉ đạo đã đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản nước nhà. Một trong số 4 nhóm giải pháp này phải kể đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững, theo đó, đề cập đến việc phải cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng chuyển dần từ chủ yếu đánh bắt sang nuôi trồng ở biển, quy hoạch các vùng nuôi trồng hải sản, từ đó kế hoạch hóa đầu tư.

Có lẽ, với bất cứ quốc gia nào có lợi thế về đường biển thì phát triển kinh tế biển là một phần quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, câu chuyện khai thác thủy hải sản một cách cạn kiệt của phần lớn bộ phận ngư dân miền biển của nước ta đang gây ra những bất cập cho xã hội, đặc biệt liên quan đến môi trường biển. Đó cũng là một phần lý do của tấm thẻ vàng mà phía EU áp cho Việt Nam thời gian qua. Do đó, vấn đề phát triển bền vững kinh tế vùng biển luôn là một trăn trở lớn đối với các nhà làm quản lý hiện nay. Một trong những vấn đề quan trọng chúng ta cần phải hướng đến đó là chuyển đổi, cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng nuôi trồng biển, giảm dần khai thác đánh bắt nguồn lợi trên biển.

Song, việc nuôi trồng thủy sản cần phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. Một thời gian dài, tại các vùng biển, người dân nuôi trồng thủy sản một cách tự phát mà không gắn bó với bảo vệ môi trường đã và đang gây sức ép lớn đến môi trường và làm suy thoái tài nguyên biển, nhất là vùng ven biển. Chính bởi vậy, những thách thức về tấm thẻ vàng IUU cũng như thực trạng về biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra hiện nay đặt ra những yêu cầu đối với nhà quản lý trong việc quản lý khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, song song với đó là xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với trách nhiệm giữ trong sạch môi trường biển. Có như vậy, chúng ta mới có thể “một mũi tên trúng hai đích”: Vừa xóa được thẻ vàng, vừa đảm bảo môi trường biển trong sạch, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một mũi tên nhắm hai đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO