Một ngày bằng một năm

Dương Thanh Tùng 26/04/2016 13:10

“Một ngày bằng một năm!”. Xin mượn câu này của lão ngư thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế khi cùng người làng hương khói bái vọng cá ông (cá voi) dạt vào bờ cát xã này trong tình trạng hấp hối rồi “lụy” (chết) vào rạng sáng ngày 24/4. Cũng xin mượn điều trăn trở của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi ông thị sát tình trạng cá chết hàng loạt tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong ngày 24/4. 

Một ngày bằng một năm

Cá chết, dạt vào biển Cửa Tùng Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Tùng)

Có thể thấy Phó Thủ tướng đã khá băn khoăn khi nêu câu hỏi với ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) rằng “có cần thuê chuyên gia nước ngoài tìm độc tố trong nước biển làm cá chết hay không?”.

Và câu trả lời từ vị đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT là: “Nếu không xác định được độc tố, Bộ TN&MT sẽ phối hợp cùng Mạng lưới môi trường biển quốc tế để tìm nguyên nhân!”

Hơn 20 ngày qua (kể từ ngày 4/4 khi rải rác xuất hiện những vệt cá chết từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ), ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình Thừa Thiên – Huế và rất nhiều ngư dân Đà Nẵng, không đi biển. Không ai biết độc tố trong nước biển làm cá chết là gì. Cơ quan có trách nhiệm chỉ có thể đưa ra lời khuyên “chờ từ 3 đến 5 ngày nữa”. Ở tầm vĩ mô, việc khuyên ngư dân và dư luận xã hội chờ thêm vài ngày, thể hiện cung cách quản lý bị động, thiếu giám sát thường xuyên từ bộ - ngành có trách nhiệm với môi trường biển và với đời sống, sinh kế của ngư dân. Tại cuộc họp với lãnh đạo và ngành chức năng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế vào ngày 23/4, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã loại trừ các nguyên nhân như dịch bệnh, nguồn nước mà tập trung vào độc tố. Tuy nhiên độc tố ấy là gì, đến từ đâu thì đang còn là…ẩn số. Ẩn số này chỉ có thể được giải đáp trong vòng 5 ngày tới – như ý kiến của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân với Phó Thủ tướng Trịnh đình Dũng ngày 24/4: “5 ngày tới sẽ có kết quả xét nghiệm, lúc đó mới đủ cơ sở xác định nhà máy Formosa (nằm trong khu công nghiệp Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có xả thải vượt quy định cho phép ra biển hay không”.

Nghi vấn độc tố từ đường ống xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh không chỉ được đặt ra bởi những ngư dân quen thuộc luồng lạch vùng biển này mà đến từ những người có trách nhiệm. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành do Bộ TN&MT dẫn đầu ngày 22/4; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu vấn đề: “Tại sao xuất phát điểm của cá chết không phải từ Nghệ An hay Quảng Bình mà lại từ Hà Tĩnh?”.

Tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo địa phương cùng bộ - ngành liên quan trong chuyến thị sát ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh; thông tin chính thức được đưa ra bởi lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Vũng Áng, đã dấy lên mối quan ngại đặc biệt với cấp - ngành quản lý và giới khoa học môi trường: 4 tháng đầu năm 2016, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã nhập về gần 300 tấn hóa chất chống gỉ, chống ăn mòn, làm sạch bề mặt kim loại, kháng khuẩn , khử trùng, truyền nhiệt, hút tạp chất…

GS.TS Nguyễn Chu Hồi (Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển) cho rằng dư luận có cơ sở để nghi ngờ nguồn xả thải sau khi súc rửa của doanh nghiệp nói trên ra môi trường biển và điều này sẽ vô cùng nguy hiểm! Là nhà khoa học về môi trường biển, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi thẳng thắn nêu ý kiến: “Phản ứng của cơ quan chức năng (đặc biệt là từ bộ - ngành) trong ứng phó với thảm họa cá chết hàng loạt một cách đầy không bình thường vừa chậm vừa bị động”. TS Tô Văn Trường, chuyên gia về tài nguyên nước và môi trường (thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KC08/11 – 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ) đặt vấn đề: “Khi phát hiện có sự cố và nghi vấn về xả thải của doanh nghiệp Formosa, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT lại phát biểu cho rằng không có thẩm quyền vào kiểm tra tại chỗ đường ống xả thải này”. Sự cố cá chết hàng loạt đầy bất bình thường ở các địa phương Bắc miền Trung được TS Tô Văn Trường nhìn nhận gây tác hại lớn – không chỉ về kinh tế, môi trường mà cả đến lòng dân.

Trả lời báo chí về vụ đường ống thải chôn ngầm dài gần 1,5 km, đường kính gần 1,5 m, xả thải ra biển Vũng Áng của doanh nghiệp Formosa, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định đây là đường ống xả thải được cấp phép. Tuy nhiên PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viên trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Đường ống xả thải của Formosa – nếu có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN&MT cấp phép thì theo quy định, không thể bỏ qua tham vấn cộng đồng và tham vấn chính quyền sở tại. Người dân cũng như chính quyền địa phương phải được biết về đường ống này. Tuy nhiên khi xả ra cá chết hàng loạt, dân địa phương và chính quyền mới biết có sự hiện diện của đường ống đầy khuất tất”.

Sự bị động của bộ - ngành liên quan còn thể hiện qua ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT với báo chí trong nghi vấn độc tố được phát tác từ quá trình xả thải của doanh nghiệp tại Vũng Áng rằng: “Hệ thống quan trắc tự động của doanh nghiệp (Formosa) chưa đấu nối với Sở TN&MT địa phương để có thể giám sát quá trình xả thải”.Xả thải đầy nghi vấn của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh càng bất bình thường hơn qua phát biểu của một lãnh đạo Công ty này ngày 25/4 rằng: “Xả thải chắc chắn là tác động đến môi trường nhưng phải cân nhắc đánh đổi giữa cá tôm và nhà máy thép!”

“Khẩn trương kiểm tra, làm rõ một cách khoa học và cẩn trọng nguyên nhân cá chết. Nếu do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, phải tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào”. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho thấy, không có trường hợp ngoại lệ nào đứng ngoài pháp luật môi trường của Việt Nam – nhất là khi đã gây hậu quả nặng nề, nghiêm trọng. Tuy nhiên chính sự chậm trễ, vào cuộc một cách đầy bị động của bộ - ngành chức năng đã và đang khiến hàng triệu ngư dân dân phải mòn mỏi trong cảnh “một ngày bằng một năm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một ngày bằng một năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO