Một Nhà nước mãi mãi của dân

Thái Duy 02/09/2016 11:00

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ, cộng hòa ra đời, Đảng trở thành Đảng cầm quyền với 5.000 đảng viên. Đất nước độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm mới: Đảng cầm quyền là đầy tớ của dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng phục vụ nhân dân.

Báo và đài công khai nêu rõ: Nhà nước cách mạng không có quan, từ Chủ tịch nước đến Chủ tịch làng, xã đều là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Gọi là luận điểm mới vì lúc này năm 1945 trên thế giới đã có Liên Xô và một số nước ở Đông Âu do Đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng chỉ có Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam tự nguyện là “đầy tớ của nhân dân”.

Là người thông thạo lịch sử nước nhà, Hồ Chủ tịch hiểu sâu xa ông cha ta bao lần đánh thắng bè lũ ngoại xâm dù chúng mạnh đến đâu, đều dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân, nhưng sau khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, quyền lực giành được lại không thuộc nhân dân.

Những năm hoạt động cách mạng ở Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Hồ Chủ tịch đã nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng của các nước, tìm hiểu tại chỗ một số cuộc cách mạng nổi tiếng và đi đến kết luận quan trọng đã làm cách mạng phải giải phóng con người, nhân dân phải được làm chủ đất nước. Quyền lực phải thuộc về nhân dân và chỉ thuộc về nhân dân, nếu không dù không còn giặc ngoại xâm nhưng nhân dân vẫn là đối tượng bóc lột, áp bức của bọn thống trị trong nước.

Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một ít người, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (Về “Đảng Cộng sản Việt Nam- Hồ Chí Minh”- NXB Chính trị Quốc gia, 1993, trang 24)

Hồ Chủ tịch đã thấy vấn đề cốt lõi của cách mạng là vấn đề chính quyền, vấn đề quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thuộc về ai. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, dân chủ đã gắn với tên nước từ giây phút đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước độc lập, tự do, làm chủ đất nước chỉ có dân, bất cứ tổ chức nào, lực lượng nào không phải là dân mà là chủ đất nước, nhân dân chỉ cực khổ, lầm than.

Nhân dân trao toàn bộ quyền lực của mình cho Đảng. Lãnh đạo tối cao đất nước là quyền của dân, dân cũng ủy quyền cho Đảng. Đảng cầm quyền là đầy tớ của dân, trước hết mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải dựa hẳn vào tâm tư, nguyện vọng của dân, phải xuất phát từ lợi ích của dân, mọi chính sách, luật lệ phải hợp lòng dân. Đảng muốn làm gì rất cần hỏi dân.

Một Nhà nước do Đảng lãnh đạo biết lắng nghe và học hỏi dân, biết bồi dưỡng và đề cao dân, chịu sự kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên của dân thì sẽ thấy dân không chỉ nói lên điều mình mong muốn mà còn làm sáng tỏ trí tuệ của những người lãnh đạo Nhà nước, gợi ý hoặc chỉ ra rằng cần luật lệ gì và luật lệ ấy phải có nội dung như thế nào, cơ quan Nhà nước cần giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh ra sao.

Đặc biệt sự nghiệp đổi mới đã được chứng minh, nhiều sáng kiến đột phá giàu tâm huyết của, nhân dân là nguồn trí tuệ không gì thay thế được cho những chủ trương biện pháp, đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đảng không làm thay công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Hai mươi tư năm là Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch đã giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề lớn trên tất cả các lĩnh vực nhưng vấn đề Đảng cầm quyền bao giờ cũng được Người quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý đặc biệt. Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời gắn liền với Đảng cầm quyền là đầy tớ của dân, Đảng lãnh đạo để đảm bảo một Nhà nước mãi mãi của dân với điều kiện tiên quyết là quyền lực chỉ thuộc về dân.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh- Về Đảng Cộng sản Việt Nam” có một đoạn rất đáng chú ý như sau: “Lênin đã lãnh đạo làm cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành được thắng lợi, nhưng chỉ lãnh đạo Nhà nước Xô Viết được một thời gian ngắn 6 năm. Nhiều người lãnh đạo Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa sau này đã ở cương vị lãnh đạo chính quyền trong nhiều thập kỷ, lâu hơn Hồ Chí Minh rất nhiều, nhưng đã không giải quyết được đúng đắn vấn đề: Quyền lực thuộc về nhân dân. Sự biến dạng của Đảng Cộng sản thành Đảng đứng trên Nhà nước, trên pháp luật, Đảng nắm lấy mọi quyền lực đã làm cho Đảng mất chỗ đứng vững chắc trong quần chúng nhân dân đông đảo và là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự đổ vỡ bi kịch như đã diễn ra ở một loạt nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua” (trang 27).

Sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ cùng một số Đảng Cộng sản ở Đông Âu, trong dư luận một số Đảng Cộng sản đã nhận xét: Những luận điểm của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, đã thực sự là những đóng góp cực kỳ quan trọng vào học thuyết về Đảng Cộng sản.

Thành trì bất khả xâm phạm bảo vệ Đảng Cộng sản là Dân nếu Đảng tôn trọng Dân, Đảng lãnh đạo để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để quyền lực chỉ thuộc về Dân, làm chủ đất nước chỉ có Dân, còn Đảng cầm quyền là đầy tớ của Dân.

Là người giương cao ngọn cờ Đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đưa ra quan niệm của mình về Đảng cầm quyền (trích trong Chương 6: Đổi mới tư duy về Đảng cầm quyền, trang 224, trong cuốn sách: Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy).

Ông giải thích cặn kẽ Đảng cầm quyền không có nghĩa là Đảng nắm tất cả, làm thay tất cả. Đảng chỉ là người lãnh đạo, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân mới là người cầm quyền thực sự. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là điều tất yếu khách quan bảo đảm cho Nhà nước mãi mãi là của dân.

Để chứng minh sự đúng đắn của quan điểm cầm quyền phải là dân, Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đã dẫn ra lời nói của Hồ Chủ tịch về vai trò, vị trí hàng đầu của dân trong mọi lĩnh vực: Chế độ ta là chế độ mà mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới, kháng chiến, kiến quốc là việc của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ Trung ương đến xã do nhân dân tổ chức nên. Đảng Cộng sản là người lãnh đạo, còn sự nghiệp cách mạng có thắng lợi hay không, thắng lợi lớn hay nhỏ là do quần chúng.

Đọc những dòng trên đây thấy nhân dân ta thật vĩ đại. Chúng ta càng hiểu tại sao Hồ Chủ tịch đòi hỏi nghiêm ngặt Đảng cầm quyền phải là đầy tớ của dân. Hơn 70 năm sau luận điểm nổi tiếng này vẫn mang tính thời sự nóng bỏng vì ta nói đã nhiều, làm chưa được bao nhiêu. Trong đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo người xứng đáng là đầy tớ của dân còn ít, trong khi cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là bộ phận không nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một Nhà nước mãi mãi của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO