Nâng tầm đội ngũ

Cẩm Thúy 21/11/2017 08:05

Những Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc diễn ra tưng bừng ở khắp các khu dân cư trong cả nước đã khép lại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và nhiều vị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã đến tận các thôn xóm, trực tiếp chung vui với bà con. Nhưng sau dư âm của Ngày hội Đại đoàn kết, yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động cho xứng với vị thế Mặt trận, ở vào năm thứ 87 lịch sử MTTQ Việt Nam, lại đang đặt ra như một thách thức.


Tưng bừng Ngày hội Đại đoàn kết tại tỉnh Lào Cai.

Ông Phạm Thế Duyệt, người kỳ công gây dựng Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc từ những ngày đầu tiên, đánh giá: Cái được lớn nhất, khi kỳ công đưa ngày 18-11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư là nhờ có Ngày hội mà làm cho toàn dân hiểu hơn về vai trò, vị thế Mặt trận, hiểu về lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngày Truyền thống đại đoàn kết toàn dân. Kể từ đó, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư năm nào cũng có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bà con ở khắp các khu dân cư trong cả nước cùng tham gia vào một hoạt động chung, gắn bó, đoàn kết, nhiều nơi còn sáng kiến có cả bữa cơm đoàn kết, thực sự đúng nghĩa là ngày hội.

Năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết với bà con nhân dân thôn Thượng Điện (Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng); Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Tân Hưng (Lạng Giang, Bắc Giang); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chung vui cùng đồng bào các dân tộc thôn Tân Thành (Bắc Kạn); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Ngày hội Đại đoàn kết tại xóm Sen 3 (Nam Đàn, Nghệ An)… Đó thực sự là những hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kể từ ngày 18/11/1930, khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, 87 năm qua, lịch sử Mặt trận là minh chứng hùng hồn cho chân lý kết tinh từ hàng ngàn năm lịch sử: Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc. Đưa ngày 18/11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư là cách làm thiết thực nhất để tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Ngày hội Đại đoàn kết năm nay gợi ra nhiều suy nghĩ, khi ông đề nghị cần có sự đổi mới trong công tác vận động quần chúng và công tác Mặt trận trong thời đại công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần tổ chức nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở để công tác Mặt trận đi sâu và phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn.

Có thể nói rằng trăn trở của Thủ tướng là vấn đề cũng đã được đặt ra từ lâu. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) đã coi việc Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một cấp bách. Trong nhiều dịp tiếp xúc, nhiều cán bộ Mặt trận cũng luôn băn khoăn làm thế nào để hoạt động Mặt trận thực sự thiết thực và hiệu quả. Ông Lê Văn Lai - nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Nam từng tâm sự: Vị thế của Mặt trận do chính hoạt động của Mặt trận quyết định.

Ông Lai cho rằng đổi mới công tác Mặt trận thì đổi mới quan trọng nhất là phải tạo chuyển biến nhận thức. Làm sao Mặt trận phải trở thành một cơ quan thực chất, có ý nghĩa thực sự trong cuộc sống thông qua các hoạt động thiết thực. Muốn vậy, bản thân từng cán bộ Mặt trận, từng cấp Mặt trận phải khẳng định được tiếng nói, vị thế của mình. Con người ấy, tổ chức ấy phải thực sự được tôn trọng và có đủ các điều kiện để hoạt động. Phải làm cho cấp ủy địa phương, chính quyền địa phương thừa nhận Mặt trận là một thành tố quan trọng thực sự.

Vẫn theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt thì có lẽ cũng không cần bàn đến vai trò, vị thế Mặt trận cao hay thấp mà quan trọng nhất là Mặt trận là đại diện cho toàn dân phải thể hiện được tiếng nói đầy đủ nhất của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vào thời điểm bây giờ đang quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì chỉ có đoàn kết mới đủ sức vượt lên và đối phó với những phức tạp của tình hình hiện nay. Cho nên, chỉ có đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới trong tư duy và nhận thức về trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận thì mới đáp ứng được tình hình mới. Đổi mới vì yêu cầu của thời đại, của Đảng, của nhân dân và của chính hệ thống Mặt trận.

Ngày hội Đại đoàn kết diễn ra trong những ngày qua lại một lần nữa khẳng định vai trò của đoàn kết dân tộc, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trải qua 87 năm, lịch sử đất nước đã thừa nhận, thực tế xã hội đã thừa nhận, với một niềm tin tiếng nói và chỗ đứng của Mặt trận trong hệ thống chính trị ngày càng rõ nét hơn bằng những hoạt động thiết thực. Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong cả nước tự nâng cao nhận thức, tự nâng tầm trình độ, xứng đáng hơn với trách nhiệm của lịch sử giao cho. Thực tế 87 năm qua cho thấy, ở vào những giai đoạn khó khăn của đất nước, Mặt trận sẽ thể hiện vai trò rõ nhất và chứng minh được vị thế của mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Kể từ ngày 18/11/1930, khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, 87 năm qua, lịch sử Mặt trận là minh chứng hùng hồn cho chân lý kết tinh từ hàng ngàn năm lịch sử: Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc. Đưa ngày 18/11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư là cách làm thiết thực nhất để tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm đội ngũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO