Né tránh giải ngân đầu tư công

Nam Việt 16/09/2019 08:00

Một trong những vấn đề quan trọng được nêu ra trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 là tiến độ giải ngân đầu tư công chậm. Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng đã “chốt” thời gian hoàn thành một số dự án trọng điểm, cho thấy Chính phủ rất quyết liệt. Bởi lẽ, như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA chậm là những điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Né tránh giải ngân đầu tư công

Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020, khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Tuy nhiên hiện vẫn còn khá ngổn ngang.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ những dự án, công trình trọng điểm, trong đó có các dự án điện, hạ tầng giao thông.

Về các dự án điện: Bộ trưởng Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1(yêu cầu đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm nay); Sông Hậu 1 (bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II/2021 và Tổ máy 2 vào quý III/2021), Thái Bình 2 (bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12/2020 và Tổ máy 2 vào quý I/2021).

Về các dự án hạ tầng giao thông: Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về tiến độ khởi công 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, bảo đảm cơ bản hoàn thành các dự án vào năm 2020. Đối với Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2019 về tiến độ chạy thử, chủ động biện pháp xử lý dứt điểm, không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Nghị quyết phiên họp của Chính phủ cũng nêu rõ, Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình.

Đây là thông điệp rất mạnh mẽ của Chính phủ, chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm, tiến độ phải thực hiện…Có nghĩa là “anh không nấp vào đâu được” nếu giải ngân chậm, trì hoãn tiến độ các dự án.

Về nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm, các dự án chậm tiến độ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đưa ra những lý do nghe chừng dễ được thông cảm. Nhưng nếu tất cả đều vì thế mà cầm chừng, chần chừ thì sẽ ách tắc. Những đối tượng liên quan cũng đã từng nhiều lần đưa ra giải pháp tháo gỡ nhưng tình hình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Với bất cứ lý do gì, giải pháp gì nhưng việc ách tắc như hiện nay là không thể chấp nhận.

Nguyên nhân thường được nêu ra biện minh cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, các dự án trọng điểm ì ạch là việc chậm giao vốn kế hoạch, chưa giao chi tiết danh mục dự án khởi công mới cho các đơn vị triển khai, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn Hiệp định vốn nước ngoài chậm… Nhưng, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ với các địa phương (ngày 4/7) thì cùng một mặt bằng quy định pháp luật, vẫn có 6 bộ, ngành, 13 địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%, trong khi đó, có tới 35 bộ, ngành, 16 địa phương giải ngân đạt dưới 30%, trong đó 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Vậy, thì lý do gì?

Giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như các dự án trọng điểm là nhất thiết phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, để không thể né tránh, đùn đẩy, viện ra các lý do. Đây phải được coi là mấu chốt của vấn đề.

Gần đây, khi nói về việc “tắc” giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án, nhiều người cho rằng không ít bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp sợ… sai, nên không dám làm. Không làm thì không sai, có chăng cũng chỉ bị nhắc nhở. Đó là điều rất đáng suy nghĩ, càng cho thấy thái độ né tránh của người đứng đầu suốt thời gian qua chính là “cục máu đông” ngăn dòng chảy của sự phát triển. Mà điều đó là không thể chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Né tránh giải ngân đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO