Ngăn ngừa bất an

An Thái 30/05/2019 07:00

Nhiều vụ án mạng đau lòng, nhiều hành vi tấn công bạo lực xảy ra thời gian gần đây được nhận định trước hết xuất phát từ những lệch chuẩn trong văn hóa, ứng xử. Đáng báo động hơn, không ít vụ việc trong số đó có nguyên nhân đến từ ma túy, “ngáo đá”, hoặc mầm bệnh tâm thần… Những nguy cơ tiềm ẩn cho cuộc sống cũng đang đặt ra một vấn đề lớn trong công tác quản lý, điều trị cho những đối tượng này.

Vụ việc mới nhất là hung thủ giết 3 bà cháu rồi phi tang tại Lâm Đồng. Những người thân cho hay, nữ hung thủ có nhiều biểu hiện tâm lý không ổn định trong thời gian dài.

Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, người dân ở Hoài Nhơn (Bình Định) cũng không khỏi bàng hoàng về vụ việc người phụ nữ 64 tuổi bị giết dã man tại nghĩa trang của địa phương mà thủ phạm không ai khác chính là người con trai 30 tuổi của bà. Hay một vụ việc xảy ra trong tháng 4, hung thủ giết 3 mẹ con, bà cháu ở Bình Dương cũng là đối tượng nghiện ma túy…

Giờ đây tình trạng người tâm thần không còn khả năng kiểm soát hành vi, dẫn đến những hành động nguy hiểm không chỉ là nỗi lo của mỗi gia đình mà là toàn xã hội. Đau xót hơn cả, nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng đó hầu hết đều là người thân, quen của các đối tượng. Dù nguy cơ gây chết người từ nhóm đối tượng này hiện hữu khắp nơi, song công tác quản lý, điều trị cho họ vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Phân tích về hiện tượng “ngáo đá”, nhiều chuyên gia y tế cho hay, ma túy đá là chất kích thích mạnh, có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất, có thể khiến người lương thiện thành tên sát nhân, độc ác. Nguy hiểm ở chỗ, ma túy đá khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu tiên, nếu dùng liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến loạn thần mãn tính. Người bị “ngáo đá” có các biểu hiện gần giống với bệnh tâm thần phân liệt. Còn dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật hình sự đã quy định người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu bia hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Giống như người bị “ngáo đá”, nguy cơ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của người tâm thần là khá cao, song việc quản lý nhóm đối tượng này còn thiếu chặt chẽ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và cả xã hội.

Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan đến stress, khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế đây là con số thống kê chưa đầy đủ, bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Về nguyên nhân, nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tâm thần song không nặng, không đáng quan tâm. Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội…

GS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần- Bệnh viện 103 (Hà Nội) phân tích: Dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần rất đa dạng, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân, song ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần. Việc phát hiện bệnh không dễ dàng đối với người nhà và ngay cả với bác sĩ do cần phải tiếp xúc lâu với bệnh nhân cũng như thăm khám nhiều lần.

Tuy số lượng người tâm thần và người mang triệu chứng tâm thần cao, song trên thực tế số lượng các cơ sở y tế điều trị còn rất khiêm tốn; những quy định pháp lý liên quan đến quản lý, giám định, điều trị người tâm thần cũng vẫn chưa chặt chẽ, trong khi người bị bệnh tâm thần phân liệt cần phải được điều trị và theo dõi lâu dài.

Do đó, để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, việc sớm ban hành các quy định pháp luật liên quan đối với nhóm đối tượng này là cần thiết. Bên cạnh đó, gia đình, chính quyền các địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ những người có biểu hiện bệnh, nhanh chóng đưa họ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn ngừa bất an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO