Ngăn ngừa ngộ độc

Kiên Long 17/02/2017 11:10

Trong mấy ngày qua, liên tục hai vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra tại hai tỉnh ở biên giới phía Bắc, trong đó một vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến dư luận bàng hoàng. Người ta không chỉ đau xót cho những cái chết oan uổng mà còn đặc biệt lo lắng về an toàn thực phẩm, những hậu quả của nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng cá nhân, giống nòi dân tộc, sự phát triển của đất nước. Vấn đề đã đến mức báo động đỏ, cần phải được sự vào cuộc tích cực của không chỉ các cơ quan chức năn

Không ít người mua rượu, hay mua men rượu từ bên kia biên giới chuyển sang.

Vụ ngộ độc tại đám tang ở xã Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) ngày 10/2 đến nay đã làm 8 người chết, 38 người phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do uống rượu có pha cồn công nghiệp methanol, lượng methanol các mẫu kiểm tra cho thấy vượt hàng trăm, hàng ngàn lần, thậm chí đến 5.000 lần quy định. Ngoài số người chết, những người còn sống cũng sẽ phải chịu những di chứng nặng nề sau này. Còn vụ ngộ độc tại đám cưới ở xã Đản Văn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang ngày 13/2, đến nay cũng đã có gần 90 người phải vào viện, rất may chưa có nạn nhân tử vong…

Điều mà dư luận xã hội đang rất trăn trở là vấn đề ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu đang gia tăng rất mạnh, đặc biệt là sự nguy hại của nó. Mỗi năm số vụ ngộ độc lại tiếp tục tăng lên, như chỉ 4 tháng đầu năm 2016, số vụ ngộ độc đã bằng năm 2012, đặc biệt, số vụ ngộ độc gây hậu quả nghiêm trọng càng nhiều.

Năm 2016, người ta có thể điểm những vụ ngộ độc tập thể như vụ gần 100 công nhân ngộ độc tại Bình Phước; hơn 50 công nhân ở TP Hồ Chí Minh; 76 trẻ em mầm non ngộ độc ở Vĩnh Long; hơn 100 người ngộ độc khi ăn bánh mì ở Huế; gần 100 người ngộ độc ở Nam Định sau khi ăn cưới.v.v.Riêng vấn đề ngộ độc rượu, ngộ độc methanol dư luận đã cảnh báo rất nhiều, thế nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Bệnh viện Bạch Mai nếu như vài năm trước mỗi tháng chỉ có khoảng hơn một trường hợp ngộ độc loại này thì gần đây con số đó đã tính theo tuần. Ngay trước Tết Nguyên đán, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã có 4 trường hợp tử vong do ngộ độc methanol…

Điều làm người ta thực sự lo lắng, đó là vấn đề an toàn thực phẩm, rượu độc đã đến mức báo động. Những vụ việc nghiêm trọng đã liên tục xảy ra nhưng sự quản lý ngăn chặn xem ra còn rất bất cập. Pháp luật đã quy định rõ từ Luật cho đến các nghị định, thông tư với chế tài cụ thể, nhưng xem ra pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, việc thực thi còn rất bất cập.

Xung quanh câu chuyện sản xuất, quản lý rượu là một vấn đề nan giải. Ngay chuyện sản xuất rượu thủ công, công nghệ, chất lượng nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Chưa nói đến nguyên liệu làm rượu như gạo, ngô…chỉ nói đến một loại nguyên liệu quan trọng như men để làm rượu đã khác. Xưa men làm rượu ở miền núi hay miền xuôi đều được sản xuất một cách công phu, tựu trung tôn trọng sự lên men tự nhiên. Tuy nhiên ngày nay, vì chạy theo chất lượng, vì không tôn trọng truyền thống, không ít người người mua men trực tiếp, nặng về hoá chất, nhất là men có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau vụ ngộ độc ở xã Ma Ly Chải, cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, niêm phong số rượu tại 7 hộ, nơi gia đình ông Phu Vần Lènh đã mua để kiểm nghiệm. Và thực tế cho thấy ở địa phương này, ngoài số ít người nấu rượu theo cách thức của người Dao, có không ít người mua rượu, hay mua men rượu từ bên kia biên giới chuyển sang.

Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 đã quy định rõ về sản xuất, quản lý rượu. Khoản 1, Điều 4 đã quy định rõ: “Rượu thuộc nhóm hàng hoá nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại”. Hoặc như Điều 29 quy định Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành rượu trên địa bàn. Khoản 5, Điều này nêu rõ, chính quyền phải: “Kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, tiêu thụ rượu trên địa bàn”, phải tuyên truyền, vận động nhân dân…Tuy nhiên không ít quy định pháp luật như đã nêu bị lơi lỏng, không được thực thi nghiêm chỉnh, nên việc sản xuất rượu độc, ngộ độc rượu vẫn có đất hoành hành.

Xung quanh vấn đề kiểm soát, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm đang có nhiều vấn đề đặt ra. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi của Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 vừa diễn ra ngày 15/2 cũng là câu hỏi của người dân với các cơ quan có trách nhiệm, với các cấp chính quyền.

Pháp luật đã quy định rõ, song vì sao tình hình an toàn thực phẩm mỗi ngày càng tăng thêm mức báo động? Không chỉ là vấn đề đặt ra chung chung mà phải có ngay biện pháp, xử lý nghiêm minh. Chuyện kiểm tra 1.000 cơ sở, chỉ xử phạt 2 cơ sở. Thanh tra trên 3 triệu cơ sở, chỉ phát hiện 20% vi phạm. Vi phạm nghiêm trọng nhưng chưa có vụ nào xử lý hình sự. Phải chăng do chế tài phạt còn quá nhẹ, hay chính quyền địa phương không làm, hay không phải thiếu quy định mà cán bộ không làm, như chính Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh hay Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đã nêu.

Vấn đề đã đến mức báo động đỏ, không chỉ một số người chết vì mấy vụ ngộ độc rượu vừa qua, mà người dân đang chết dần, chết mòn khi sức khoẻ giảm sút, ung thư gia tăng chóng mặt. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các “cán bộ” nếu vẫn không làm hoặc không làm triệt để thì họ không chỉ thiếu trách nhiệm mà đang mắc nợ, có tội với nước, với dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn ngừa ngộ độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO