Nhanh chóng hỗ trợ, tăng cường giám sát

Nam Việt 07/05/2020 08:00

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020 (ngày 5/5), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết MTTQ các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành giám sát chặt gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Nhanh chóng hỗ trợ, tăng cường giám sát

Những tấm lòng thơm thảo tương thân tương ái trong đại dịch Covid-19. Ảnh: T.Hằng/TN.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề, nhiều địa phương gặp khó khăn. Nhiều đối tượng trong xã hội cũng lập tức rơi vào tình thế cấp bách bởi thu nhập của họ vốn đã rất thấp, lo cho bữa ăn từng ngày, không có tích lũy. Việc Chính phủ quyết định gói hỗ trợ cho 7 đối tượng trong diện khó khăn là một cố gắng lớn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, là chỗ dựa chắc chắn và ấm áp cho những người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tới nay, nhiều địa phương đã lập danh sách; tiền hỗ trợ đã và đang đến tay các đối tượng được giúp đỡ. Nhưng cũng có những địa phương vẫn đang tiếp tục lập danh sách, “rà đi soát lại” rất chi tiết, kỹ lưỡng vì rằng những đối tượng lao động tự do hoặc không đăng ký thường trú nhưng thực tế sinh sống tại địa phương không dễ gì thống kê được.

Tuy nhiên, nếu thời gian lập danh sách để hỗ trợ bị kéo dài thì một chính sách ưu việt, giàu tính nhân văn sẽ bị hạn chế. Vì rằng, đồng tiền hỗ trợ sẽ giảm giá trị khi lúc người nghèo cần nhất lại không có; cho đến lúc họ đã kiệt lực, lả đi mới được nhận thì sẽ rất đáng tiếc.

Hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc người lao động nghèo cần được hỗ trợ nhất. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi của họ quá nhiều. Rất nhiều người đang mong ngóng từng ngày cầm được trong tay những đồng tiền quý báu để lo cho cuộc sống. Vì thế, việc gấp rút đẩy nhanh tiến độ thống kê, hoàn chỉnh danh sách để đưa tiền hỗ trợ của Chính phủ đến cho bà con là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là một công việc đơn thuần, mà cao hơn còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ công dân với cộng đồng, là mệnh lệnh của trái tim. Bất cứ với lý do gì mà trì hoãn, làm chậm lại (kể cả việc sợ sai) thì cũng đều rất đáng chê trách.

Nhưng bên cạnh đó thì cũng rất cần sự giám sát để loại bỏ bất cứ hành vi tiêu cực nào, để những đồng tiền hỗ trợ người nghèo không “đi lạc đường” vào nhà người khác. Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai những chính sách an sinh xã hội, vẫn có những kẻ đang tâm trục lợi, bòn rút, đục khoét để thủ lợi cho riêng mình, hay là cho người nhà, người thân của mình. Đó đây đã từng có việc “con bò giảm nghèo đi lạc vào nhà chủ tịch xã”, hay là khi nó đến tay người được giúp đỡ thì chỉ còn cái dây thừng do con bò đã “dừng chân” ở nơi nào đó mất rồi.

Thật là không vui gì, không hay gì khi nói điều đó. Nhưng thiết nghĩ vẫn cần phải nói. Nói để ngăn chặn những hành vi trục lợi xấu xa. Nói để người nghèo không bị ăn chặn. Nói để một chính sách ưu việt không bị phá hỏng chỉ bởi một vài kẻ tà tâm.

Vậy, ai sẽ giám sát việc này?

Khi triển khai bất cứ chính sách nào thì cũng đều có sự giám sát, đều có những chiếc phanh an toàn. Nhiều nơi cùng giám sát. Tuy nhiên, trong tình huống này vai trò của Mặt trận các cấp cần phải được đề cao. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc chính là giám sát. Một trong những điều làm cho cán bộ Mặt trận được yêu quý là gần dân, thấu hiểu và chia sẻ tâm tư tình cảm của người dân; nghe được nguyện vọng của người dân vì cán bộ Mặt trận là những người rất gần dân. Điều cơ bản làm nên sức mạnh, uy tín của cán bộ Mặt trận cơ sở là gần dân, hiểu dân, quan tâm tới những người nghèo nơi mình sinh sống bằng tấm lòng vô tư trong sáng. Đó chính là “sức mạnh mềm” của cán bộ Mặt trận cũng như của hệ thống Mặt trận từ Trung ương cho tới từng khu dân cư trong cả nước.

Trở lại vấn đề gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người lao động nghèo, đối tượng chính sách thì đây chính là lúc phải thực hiện “mục tiêu kép”: Nhanh chóng hỗ trợ đồng thời phải giám sát tốt để chính sách không bị phá hỏng. Nhanh chóng để người nghèo không bị kiệt sức. Giám sát để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách. Danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.

Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ thì “Chúng tôi tăng cường giám sát gói 62 nghìn tỷ đồng ở các địa phương. Giám sát ngay từ lúc lập danh sách để không có bất cứ một sai phạm nào trong gói hỗ trợ này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhanh chóng hỗ trợ, tăng cường giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO