Nhìn xa trông rộng

Lê Anh Đức 23/05/2017 09:10

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ đề nghị tăng một loạt thuế nội địa đối với xăng dầu để bù thu trong bối cảnh thuế nhập khẩu mặt hàng này đang giảm dần về 0%.

Ông Ruệ nhấn mạnh: Trách nhiệm công dân là phải đóng góp thuế, nhưng lại mập mờ không rõ đó là loại thuế gì, bao nhiêu, đã hợp lý và đã tính đến sức chịu đựng của người dân chưa. Ai chẳng biết trách nhiệm công dân là phải nộp đúng, nộp đủ thuế cho Nhà nước, song điều đó không có nghĩa là bắt người dân “cõng” thêm thuế chỉ với lý do là thu cho đủ ngân sách.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương (Bộ Thương mại cũ) Phan Thế Ruệ cho rằng, việc tăng thuế nội địa là cần thiết để đảm bảo nguồn thu ngân sách, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo đó, ông Ruệ kiến nghị ngay trong năm 2018 cần có lộ trình điều chỉnh tăng một số loại thuế. Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thuế tiêu thụ nội địa và tiến tới tăng thuế VAT. “Thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Đây là trách nhiệm của người dân với đất nước...”-nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu.

Người ta nói, ông Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu quả là người có tầm “nhìn xa, trông rộng”. Hiện, thuế nhập khẩu chưa về đến “mo” mà ông đã tính đến chuyện người tiêu dùng thực hiện “trách nhiệm công dân”.

Ông Ruệ lập luận rằng: Dù có tăng tới mức cơ cấu bình quân các loại thuế đạt 50% giá thành xăng dầu thì nhiều khả năng giá bán lẻ xăng dầu vẫn giữ nguyên, hoặc có tăng cũng không nhiều, do thuế nhập khẩu đã lùi về 0%. Bởi vậy người tiêu dùng sẽ không phải chịu thiệt với việc tăng thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu. Vâng, tất nhiên nhiều khả năng thực tế sẽ diễn ra đúng như “kịch bản” mà ông Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đã “vạch sẵn”. Song, người dân cũng còn có quyền được tiêu dùng sản phẩm giá rẻ khi hội nhập khu vực và thế giới.

Cũng là một người xuất thân từ Bộ Thương mại (cũ), từng có thời gian dài làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lại không đồng tình việc tăng thuế nội địa để bù đắp thu ngân sách do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm về 0% như đề nghị của nguyên Thứ trưởng Ruệ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) cho rằng đây không phải là biện pháp lâu dài để đảm bảo nguồn thu ngân sách, nếu chỉ là biện pháp trước mắt, “chữa cháy” thì còn có thể tạm tính đến, song về lâu dài là không hề ổn.

Vì sao nguyên Bộ trưởng Tuyển lại có ý kiến khác với nguyên Thứ trưởng Ruệ? Nhiều người cho rằng có thể do ông Trương Đình Tuyển ngồi ở vị trí Bộ trưởng nên có cái nhìn tổng quát hơn, lại công tác lâu năm trong ngành Công thương nên ông thấy rõ hơn ông Ruệ cái lợi và cái hại của việc cố tăng thuế nội địa để bù đắp cho đủ thu ngân sách.

Và có vẻ như sự suy đoán của dư luận là đúng, bởi theo ông Tuyển thì việc tăng thuế nội địa chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt là đảm bảo thu ngân sách không bị thiếu hụt song lại kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác không lường hết được.

Thử phân tích, nếu thuế nhập khẩu xăng dầu lùi về 0%, trong khi thuế nội địa không tăng khác với “sáng kiến” của nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương thì không chỉ người dân được hưởng lợi từ việc tiêu dùng xăng dầu giá rẻ, mà còn rất có lợi cho các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các mặt hàng, do vậy khi giá xăng dầu giảm đồng nghĩa với việc giá thành của tất cả các loại sản phẩm khác cũng sẽ giảm theo, tạo sức cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Chẳng phải Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh phải tạo điều kiện tối đa để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đó sao?

Giảm chi phí đầu vào không chỉ là để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, quan trọng hơn là khi doanh nghiệp có thể phát triển ổn định, ngày càng làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, doanh thu ngày càng lớn thì sẽ tiếp tục tái đầu tư nhiều hơn, từ đó đóng góp cho xã hội, hay nói chính xác là đóng góp cho nguồn thu ngân sách sẽ lớn hơn gấp bội.

Đây mới thật sự là nguồn thu ổn định, bền vững, lâu dài. Vừa tạo được nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững, vừa hợp với lòng dân vì không bắt họ phải “cõng” thêm thuế quả là một giải pháp lưỡng toàn, tại sao không thể theo? Đây mới đích thị là tầm nhìn xa trông rộng của người quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn xa trông rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO