Nỗ lực tái cơ cấu

Nam Việt 24/10/2016 10:35

Tái cơ cấu là để tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế. Thời gian trôi qua, cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng chủ trương tái cơ cấu vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Nhà quản lý, giới chuyên gia, doanh nghiệp… đều sốt ruột trước sự chậm trễ ấy, trong khi ám ảnh của sự tụt hậu đang lộ dần. Vì thế, ngay từ những ngày đầu của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã được đặt ra.

Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa.

Ít nhất là trong vòng 5 năm qua, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế đã được coi như vấn đề thời sự ở cấp vĩ mô. Tại các diễn đàn kinh tế (trong đó 2 diễn đàn quan trọng là Diễn đàn kinh tế mùa xuân và Diễn đàn kinh tế mùa thu), dù là chủ đề chính hay không thì vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế bao giờ cũng thu hút sự chú ý của người tham dự, với những tranh luận đôi khi không gặp nhau. Tuy nhiên, điểm gặp nhau chính là sự sốt ruột khi phải tìm ra được điểm đột phá chiến lược để tăng tốc phát triển.

Tới nay, tái cơ cấu nền kinh tế dã thực sự là đòi hỏi bức thiết, khi mà nói như giới chuyên gia thì động lực tăng trưởng đang vơi cạn, các chỉ số GDP hàng năm giảm, nhất là với quá nhiều khó khăn thì GDP 2016 rất khó đạt.

Báo cáo Quốc hội ngày 20/10 về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần một nguồn lực đủ mạnh, cụ thể là vào khoảng 10,57 triệu tỷ đồng (tương đương 500 tỉ USD) để thực hiện. Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện.

Trong đó, hàng đầu là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương.

Các nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo gồm: kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất; bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả...

Để tránh chuyện chỉ nói không làm, Chính phủ dự kiến thành lập Tổ công tác thi hành tái cơ cấu kinh tế để theo dõi, đánh giá và đôn đốc việc thực hiện tái cơ cấu. Cũng chính vì tầm quan trọng và đỏi hỏi bức thiết nên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 để nâng cao tính pháp lý triển khai tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế là việc khó. Nếu không đủ quyết tâm sẽ vẫn theo cách làm cũ. Ngoài ra, cần bộ máy, nguồn lực để triển khai công việc này- theo Thủ tướng. Nêu ví dụ về nợ xấu, Thủ tướng cho rằng muốn giải quyết thì theo quy luật biện chứng thì vật chất phải được giải quyết bằng vật chất, không chỉ nói miệng là được.

Thủ tướng cũng lưu ý, khi tái cơ cấu cần tập trung vào một số thế mạnh của đất nước, trong đó có thế mạnh về nông nghiệp, du lịch và nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nền kinh tế số. Về nông nghiệp, địa phương nào cũng có thế mạnh. Về du lịch, hiện trung bình mỗi năm có khoảng 6-7 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam, đó là con số rất khiêm tốn nếu so với Thái Lan và Singapore mỗi nước có tới 60 triệu lượt khách quốc tế.

Còn về nền kinh tế số, Thủ tướng cho rằng người Việt Nam thông minh, sáng tạo, đó là lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, nếu không chúng ta sẽ lạc hậu.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì 5 năm qua, tái cơ cấu nhưng không rõ mô hình. Lần này mô hình được vạch ra là tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, phương thức tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu.

Chiến lược tăng trưởng trước kia chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư, lần này tăng trưởng phải dựa thêm vào khu vực nội địa, không chỉ là người Việt dùng hàng Việt mà còn phải tổ chức lại thị trường trong nước.

Như vậy, việc tái cơ cấu nền kinh tế lần này không chỉ trên bàn hội nghị, mà sẽ có địa chỉ cụ thể, thời gian cụ thể. Tuy nhiên, để xoay trục cả một nền kinh tế, tạo động lực mới không hề là chuyện dễ dàng. Việc tạo cơ chế thông thoáng, gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp cũng nằm trong phạm trù tái cơ cấu, nhưng thực tế vẫn còn đó những vướng mắc.

Trên thông nhưng dưới chưa thoáng. Có thể thấy rất rõ điều đó qua vụ quán cà phê Xin Chào, vụ điện thoại cùi bắp, vụ cán bộ đôn đốc thuế dàn hàng ngang trước cửa một quán bún bò... Những gì đã thành thói quen, thành vết trượt quán tính không dễ gì ngày một ngày hai thay đổi.

Hướng đi và quyết tâm đã có, nhưng rất khó là nguồn lực vật chất để thúc đẩy tái cơ cấu. Theo ông Lê Thanh Vân- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì rất khó huy động nguồn lực lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương gần 500 tỷ USD.

“Hiện thu ngân sách hàng năm chưa đến 50 tỷ USD, GDP khoảng 200 tỷ USD, lại còn các vấn đề như bội chi, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... Không biết Chính phủ sẽ xoay sở như thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn như vậy”- ông Vân băn khoăn.

Băn khoăn ấy cũng chính là “nút thắt” cần tháo gỡ. Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thêm một nguồn vốn đáng kể thì không thể không đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khỏi những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm tỉ lệ chi phối về vốn.

Chậm chạp, hay nói cách khác là không muốn thoái vốn của không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên thực tế là lực cản lớn trong chủ trương tái cơ cấu.

Ngay như bà Victoria Kwakwa- nguyên Giám đóc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng từng nhận xét, nhiệm vụ thoái vốn các doanh nghiệp lớn của nhà nước lớn là bài toán khó, nhưng vẫn phải kiên quyết làm vì nếu không sẽ không tái cấu trúc được nền kinh tế, đảm bảo sức sống và sự cạnh tranh trước áp lực ngày càng lớn của nền kinh tế hội nhập toàn cầu.

Lần này, việc “khởi động lại” chủ trương tái cơ cấu được cho là quyết tâm lớn của Chính phủ. Khó khăn nhiều và cũng đã thấy rõ, vấn đề còn lại là phải tìm cho ra giải pháp, gỡ cho được nút thắt, để không bao giờ tái diễn việc tái cơ cấu chỉ diễn ra trên bàn hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực tái cơ cấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO