Nỗ lực vì dân

29/06/2016 08:00

Nói gì thì nói, cơ quan công quyền muốn thực hiện chỉ đạo của thành phố để “không lấy dân làm con tin” đồng nghĩa với việc sẽ phải nỗ lực tìm biện pháp siết chủ đầu tư.

Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng...

Ảnh minh họa.

Trong một cuộc họp diễn ra mới đây giữa thường trực Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND TP Hà Nội tại một hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các sở, ban ngành, thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ.

Một kết quả có được từ sự nỗ lực không nhỏ của lãnh đạo TP Hà Nội. Nhưng, dường như với Hà Nội, kết quả ấy chưa thật sự làm hài lòng lãnh đạo TP. Và, mục tiêu của Hà Nội còn cao hơn nữa khi đặt chỉ tiêu đến tháng 6/2017, hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng; cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp giấy.

Nếu xem xét mục tiêu của Hà Nội trong thực trạng đây là địa phương luôn có tốc độ phát triển cao những năm gần đây với hàng loạt dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng và hàng loạt cái tên được nêu lên do việc chây ì nộp tiền thuế đất mới hiểu rõ, việc đặt ra mục tiêu với Hà Nội là không hề dễ dàng, nếu bản thân các doanh nghiệp vẫn phớt lờ chuyện nộp tiền thuế sử dụng đất.

Ngay tại cuộc họp giao ban kể trên, khi điều hành phần thảo luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi nói về chuyện cấp sổ đỏ đã dứt khoát cho rằng, những thủ tục rườm rà, không cần thiết thì phải cắt bỏ. Đương nhiên cắt bỏ bớt thủ tục hành chính cũng tức là để cho dân được nhờ nhưng cơ quan công quyền; mà trực tiếp là người giải quyết các thủ tục hành chính có thể ‘chịu lỗ’.

Nhưng, ở khía cạnh khác có thể thấy, đây là một quyết tâm lớn của Hà Nội; nhất là thời gian qua, bản thân các cấp, ngành của TP này đã giảm được thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động đất đai so với trước đây.

Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất trước đây là 21 đến 30 ngày thì nay chỉ còn 10 đến 15 ngày. Từ 8 loại giấy tờ, nay chỉ cần 4 loại. Nhưng, với Hà Nội, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhạy cảm như đất đai vẫn rất cần đi theo hướng công khai, minh bạch, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm hơn nữa...

Mới đây nhất, trong lần công bố đợt 4 các đơn vị chây ì tiền thuê đất và tiền sử dụng đất đã có tới cả chục đơn vị được bêu tên với số tiền nợ lên đến khoảng 70 tỉ đồng. Trong đó, có những dự án, chủ đầu tư đã mở bán công khai. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, rõ ràng, người dân sẽ không an tâm nhất là với những người đã nộp tiền đặt cọc mua nhà.

Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Hiện nay có một số chủ đầu tư dự án nợ tiền sử dụng đất. Người dân mua có hợp đồng đầy đủ thì phải cấp đầy đủ cho người dân. Không thể lấy người dân làm con tin, không cấp là không đúng. Đối với các chủ đầu tư, nếu quá hạn nợ thì sẽ phạt hành chính, nếu tiếp tục không nộp thì chuyển qua cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật về việc chây ì và hành vi trốn thuế kéo dài. Tất cả người dân có hợp đồng đầy đủ thì chúng ta phải cấp đầy đủ”.

Còn, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thì nhấn mạnh: “Kết quả công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền”.

Đấy cũng chính là một cách công khai, minh bạch trước dân và cũng chứng tỏ, thành phố đứng về phía dân- người được cho là yếu thế trong thương vụ mua bán căn hộ chung cư. Phát biểu này của Chủ tịch TP Hà Nội sẽ khiến người dân yên tâm hơn; nhất là sau vụ việc tại một chung cư ở TP Hồ Chí Minh khi ngân hàng đòi siết nợ chủ đầu tư bằng những căn hộ của bên mua.

Phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng có thể được xem là đem lại một hy vọng, thành phố sẽ không nhu nhơ với các chủ đầu tư nợ tiền thuê đất và nợ tiền sử dụng đất. Vì, nói gì thì nói, cơ quan công quyền muốn thực hiện chỉ đạo của thành phố để “không lấy dân làm con tin” đồng nghĩa với việc sẽ phải nỗ lực tìm biện pháp siết chủ đầu tư.

Nhưng dù thế nào, nếu không có sự nỗ lực từ phía các cơ quan công quyền thì cũng thật khó để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội; vì cơ quan công quyền dù không đặt người dân vào vị trí con tin thì họ cũng bị chủ đầu tư đẩy vào vị trí đó một cách chủ động.

Hoàng Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO