Nước mắt kỳ thi

Thu Hương 04/06/2019 09:00

Căng thẳng không kém so với kỳ thi đại học (ĐH), kỳ thi vào lớp 10 mỗi năm đều diễn ra nhưng chưa khi nào bớt nóng. Dù ai cũng hiểu là có thi tất có đỗ, có trượt nhưng để chấp nhận mình/con em mình nằm trong số ít thí sinh trượt nguyện vọng vào trường công lập hay không đỗ vào trường như kỳ vọng lại là điều không dễ dàng.

Nước mắt kỳ thi

Sắp tới đây, kết quả kỳ thi sẽ được công bố với cả nước mắt và nụ cười.

Trong ngày 2 và 3/6 vừa qua, các phóng viên của báo Đại Đoàn kết đã trực tiếp có mặt ở một số trường THPT ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để ghi nhận không khí về kỳ thi vào lớp 10 THPT. Đơn cử như buổi sáng đầu tiên thi môn Ngữ văn ở Hà Nội, tại điểm thi Trường THPT Trương Định (Hà Nội), nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với gương mặt vui vẻ thông báo cho người thân về tình hình làm bài thi khả quan. Những gương mặt phụ huynh đang đợi chờ thí sinh dường như cũng giãn ra… Tới buổi chiều, mặc dù đề Toán được đánh giá vừa sức thí sinh nhưng vẫn có một số câu hỏi khó để đảm bảo tính phân loại. Chưa so đáp án nhưng với môn Toán đúng sai, làm được và không làm được dễ nhận biết hơn nên chúng tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt rơi trên gương mặt non nớt. Một em gái gục đầu vào mẹ khóc ngon lành dù cô bạn bước ra khỏi phòng thi cùng em liên tục động viên “ngoài câu Hình học khó thì vẫn còn các câu khác bạn làm được hết mà”… Một nam sinh với gương mặt thất thần, vò đầu bứt tai vì phát hiện kết quả một phép tính mình làm khác với cậu bạn thân cùng thi…

120’ hay 60’ trong phòng thi đang gánh áp lực của 9 năm học, là kỳ vọng không chỉ của thí sinh đó mà còn của biết bao nhiêu người: Bố mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em và thậm chí cả họ hàng cũng quan tâm hỏi thăm, động viên, khích lệ và đặt kỳ vọng vào thí sinh 15 tuổi sẽ đỗ ngay vào trường thuộc nguyện vọng 1. Một người thi, cả họ căng thẳng. Ngày 2/6 vừa qua được nhiều người ví là ngày chủ nhật “nín thở” của phụ huynh có con thi vào lớp 10.

Trong trường hợp kém khả quan hơn, nguyện vọng 2 cũng là một lựa chọn không tồi so với “phải” học trường THPT ngoài công lập hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp. Đây là suy nghĩ phổ biến của nhiều phụ huynh, thí sinh và cả các trường hiện nay.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh, trong số này có cả các trường vì hàng năm, trong bảng vàng thành tích tổng kết của các trường THCS luôn có một mục gọi là tỉ lệ học sinh đỗ vào trường THPT công lập. Thậm chí, như người viết bài này từng chứng kiến tại một trường THCS được coi là trường điểm ở một huyện ngoại thành của Hà Nội, các giáo viên được chỉ đạo để tư vấn làm hồ sơ thi vào lớp 10 THPT cho thí sinh làm sao phải đăng ký vào các trường công lập “chắc đỗ”.

Ngược lại, cũng có những thí sinh sau khi phân tích năng lực thực tế, nhà trường định hướng đưa các em vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu nhưng cả học sinh và gia đình đều bày tỏ nguyện vọng xin được làm hồ sơ thi vào THPT bằng mọi giá. Tâm lý muốn cho con học lên THPT để bằng bè bạn, vì nghĩ rằng cơ hội để vào ĐH, có được công việc tốt, lương cao, làm cho cha mẹ “nở mày nở mặt”… sẽ khó thành hiện thực nếu con theo học tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp là một thực tế phổ biến. Trong khi đó, với hệ thống trường ngoài công lập, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học do mức học phí cao và tâm lý vẫn tồn tại lâu nay rằng, học sinh không vào được trường công mới bất đắc dĩ phải học trường tư…

Giảm áp lực cho sĩ tử bắt đầu từ phía phụ huynh, trước hết là việc định hướng đúng cho con em mình hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và nguyện vọng học sinh đó. Không đặt kỳ vọng quá sức so với khả năng của các em. Một chiếc áo đẹp đẽ, đắt tiền đến mấy nhưng nếu quá rộng so với người mặc thì không thể đẹp được.

Ở tuổi 15, các sĩ tử hôm nay đang đứng trước nhiều ngã rẽ khác nhau. Áp lực là điều không thể tránh khỏi nhưng ai có thể mãi đứng thảnh thơi ngoài cuộc sống? Chấp nhận cạnh tranh để mình lớn lên và trưởng thành hơn.

Sắp tới đây, kết quả kỳ thi sẽ được công bố với cả nước mắt và nụ cười. Trong hơn 85 nghìn học sinh ở Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 THPT, sẽ có khoảng 34 nghìn em không học trường THPT công lập mà rẽ hướng sang học nghề, học tại trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Nhưng làm sao để 34 nghìn học sinh và gia đình của các em vui vẻ với hướng đi này thay vì cảm giác chán nản thậm chí sụp đổ vì đã trượt trường công lập là một thách thức đặt ra với không chỉ ngành giáo dục mà là cả hệ thống xã hội. Bởi để thay đổi nhận thức về việc học nghề, lập nghiệp trong bối cảnh vẫn còn khoảng cách khá xa về thu nhập giữa làm thầy so với làm thợ sẽ là khó khăn lớn.

Đó là chưa kể sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của hệ thống trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng gửi gắm con em mình vào các cơ sở này. Cuối cùng, cơ hội để liên thông với các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp các trường này cần phải được thông thoáng để thúc đẩy cơ hội được học tập suốt đời. Có như vậy, những thí sinh không vào được đúng ngôi trường THPT mình mơ ước hay sắp tới là trường ĐH cũng không cảm thấy sụp đổ đến mức đặt dấu chấm hết cho quãng đường học lên cao hơn của bản thân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt kỳ thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO