Nước mắt Thủ Thiêm

Thành Luân (thực hiện) 11/05/2018 08:00

Ở bên này của khu đô thị Sala tráng lệ (thuộc vùng lõi của Đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM) là khu tạm cư xập xệ, dột nát của gần 30 hộ dân quận 2, vốn phần lớn là những gia đình nằm trong danh sách giải tỏa trắng làm khu đô thị mới nhưng “treo” từ cách đây hơn 22 năm… Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, nhiều cư dân đã bật khóc khi trình bày bức xúc về việc giải tỏa đền bù dự án.

Nước mắt Thủ Thiêm

Cuộc sống tạm bợ của những người dân bám trụ lại Thủ Thiêm Ảnh: Đoàn Xá.

“Khu ổ chuột” giữa lòng thành phố

Cụ ông Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An) nói, nhà ông nằm trong khu vực 3,4 ha mà chính quyền thành phố mới thừa nhận là nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thế nhưng, đã hơn 20 năm, qua nhiều đời lãnh đạo thành phố lại cố tình lờ đi thực tế ấy. Cụ Vinh thở dài, cho biết, hai vợ chồng dành dụm cả đời mua được căn nhà nhỏ từ năm 2000 với giá hơn 100 triệu đồng, có giấy tờ hợp pháp. Bốn năm sau chính quyền đến nói nhà ông bị giải tỏa, cả gia đình phải di dời, cả mấy người trong nhà, ai nấy ngỡ ngàng.

“Bận nào cũng vậy, chính quyền quận đến bảo ông và các con cháu dời đi, nhưng ông hỏi giấy tờ quy hoạch nhà tôi đâu thì các anh ấy không nói gì”.

Ở khu tạm cư này, bà Lê Thị Sáu (52 tuổi) nói, cực nhất là vào mùa mưa vì nhà cửa xuống cấp, xập xệ, thường xuyên phải tát nước khỏi nhà mới ở được, các con cháu thì không được thừa nhận hợp thức để đi học hành, còn người lớn thì bì bõm mưu sinh, gắng gượng giữ nhà, giữ đất đến cùng.

“Trời nắng thì như lò hấp, còn mưa thì ngập quá đầu gối, rác thải ở đâu trôi dạt cả vào nhà” - bà Sáu than thở. Cũng như nhà cụ Vinh, bà Sáu cũng đâm đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng đơn chuyển thì bao giờ cũng quay trở lại thành phố, đến quận, rồi rơi vào im lặng. Người dân lại phải quay lại khiếu nại từ đầu, rồi tiếp tục luẩn quẩn như cũ.

Cả gia đình luôn sống trong trạng thái thấp thỏm, bà Sáu còn lo sợ không biết khi nào căn nhà bà sẽ bị tháo dỡ. Bởi lúc đó, không biết cả gia đình với mấy con người sẽ lấy tiền đâu để tìm nơi ở mới khi tài sản duy nhất đã bị tháo dỡ.

Thầy giáo Võ Song Toàn (48 tuổi, phường Bình Khánh) nói, nhà thầy ở lô C6, cư xá Công Nhân, phường Bình Khánh nói, năm 2010 thì gia đình thầy được giải quyết đền bù, may mắn không phải ở tạm cư như các hộ khác. “Tôi rất thấu hiểu những người dân đến nay còn chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ không bức xúc sao được khi đền bù đất có hộ được đến 5 – 6 tỷ đồng, nhưng có hộ không được giải quyết, chính sách bất nhất vậy, ai mà không tủi hờn”.

Có hộ ở khu tạm cư vì tin rằng có ngày dân Thủ Thiêm sẽ được giải hàm oan, đã kiên trì mười mấy năm đi đi về về giữa các cơ quan Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP, Sở Xây dựng TP, Phòng Tiếp dân UBND TP, Mặt trận Tổ quốc TP, Ban Tiếp dân Trung ương tại TP HCM,…để xin bản đồ 1/5000 quy hoạch Thủ Thiêm. Thế nhưng, “Họ hứa lên hứa xuống rồi im lặng luôn” - một cư dân ở đây nói.

Có hộ như hộ nhà bà Sáu, phải ra vô giữa Hà Nội và TP.HCM đến gần 100 lần ra để gửi đơn khiếu nại, chỉ nội tính số tiền chi phí đi lại cũng ngót đến hàng trăm triệu đồng.

Nước mắt Thủ Thiêm - 1

Một cử tri quận 2 khóc ngất (bên góc trái) ngay tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch HĐND TP HCM mới đây (Ảnh: Hồng Phúc).

Đừng vô cảm với dân thêm nữa

Bà Nguyễn Thị Mão, một người dân bị giải tỏa ở quận 2 bức xức phản ánh, các cơ quan tiếp dân của quận 2 đã vô cảm trước dân oan, thiếu tôn trọng và thực thi trách nhiệm của mình trước các khiếu nại, tố cáo của dân, là nguyên dân khiến rất nhiều dân oan quận 2 phải khiếu nại vượt cấp kéo dài.

“Tôi có mẹ già. Tám năm nay, nhà dột nát mà quận không cho sửa chữa, tôi phải thuê nhà kế đó mấy căn để ở, tôi đã đợi mãi 4 năm rồi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng” - bà Cẩm Hà, đại diện một hộ dân khác nói.

Bà Lê Thị Bạch Tuyết, một cư dân ở quận 2 còn phản ánh: “Cách đây ba ngày, tôi gọi cho chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, chị nói sẽ chỉ đạo mở đường tạm cho dân ở các khu tạm cư (đang chịu cảnh 3 không: Không đường, không điện, không nước”.

Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy chính quyền về giải quyết, dân rất bức xúc”. Bà Tuyết cho biết, hiện khu Sala bán một căn hộ lên đến 315 triệu/m2, trung bình đến 21 tỷ đồng mỗi căn.

Thế nhưng, việc bồi thường cho dân lại quá rẻ mạt, khiến người dân càng bức xúc và mất niềm tin, do đó đề nghị với Quốc hội sớm vào cuộc giám sát, giải quyết thỏa đáng những bức xúc hiện nay của dân quận 2.

Còn ông Bùi Văn Thông, một hộ dân bị giải tỏa bởi Dự án Thủ Thiêm trình bày, hiện đất ở đường Lương Định Của, Q.2 có giá trị thường 200 triệu đồng/m2, nhưng quận lại áp quyết định của Chính phủ từ năm 2001 vốn đã không cập nhật kịp giá nhà đất, chỉ đền cho dân 150 ngàn đồng/m2, như thế là quá bất hợp lý.

Ông Thông muốn Nhà nước phải sửa đổi lại quá trình áp dụng luật pháp, để không để tình trạng người dân kêu oan ngày càng nhiều như hiện nay.

Trường hợp của bà Lê Thị Hồng Dân (P.Bình Khánh, quận 2) 10 năm đi khiếu nại từ các cấp thành phố đến trung ương, nhà cửa đến nay đã dột nát hết, có người mất người còn, nhưng thương nhất là lũ trẻ không được đi học, không có đường đi, không nước sinh hoạt, dân chịu bao khổ cực để mưu sinh. Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Ngọc Nga (phường Bình Khánh, quận 2) còn khiếu nại, cán bộ tiếp dân quận 2 thách đố bà đi khiếu nại đòi đất của mình, dù đã sai rõ ràng. Như thế, dân còn biết trông cậy vào ai để tìm lại công lý.

Nhiều người dân Thủ Thiêm bức xúc cho rằng, lâu nay thành phố có tiếng về đổi mới sáng tạo nhưng lại để xảy ra các việc bán đất công sai phép ở huyện Nhà Bè, hay quy hoạch sai quy định ở Thủ Thiêm, quận 2.

Người dân Thủ Thiêm mong, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, thanh tra làm rõ khu vực giải tỏa vượt ranh quy hoạch nhiều ha, để người dân ở các khu tạm cư sớm an cư, ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt Thủ Thiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO