Nuông chiều thái quá, dễ sinh hư

Lê Anh Đức 27/03/2020 07:30

Dư luận xã hội mấy ngày qua hết sức phẫn nộ sau khi xem video clip một người đàn ông tại khu cách ly lớn tiếng chê bai bữa ăn được phục vụ miễn phí đạm bạc.

Dù cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế cạn lời giải thích anh ta vẫn dùng những lời lẽ hết sức khó nghe. Trong lúc đòi hỏi bữa ăn ở nơi cách ly phải thế này, thế nọ, người đàn ông này có biết rất nhiều chiến sĩ đang phải ăn những bữa cơm còn đạm bạc hơn nhiều, ở nơi màn trời chiếu đất chứ không được ăn trong nhà như anh ta?

Theo quy định hiện giờ, suất ăn của các chiến sĩ quân đội chỉ có vài chục nghìn đồng/ngày, trong khi khẩu phần ăn của những người đi cách ly là 80.000-100.000 đồng/ ngày (hoàn toàn miễn phí). Như vậy bữa ăn của các chiến sĩ còn “đạm bạc” hơn rất nhiều so với những người ở các khu cách ly tập trung. Không những ăn uống đạm bạc, các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế còn phải rất vất vả lo chống dịch Covid-19, phục vụ những người như anh chàng chê cơm cách ly kia.

Sau khi xem video clip trên, nhiều ý kiến đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp răn đe đối với người đàn ông này. Trước khi hạch sách hãy ra nhìn mâm cơm của bộ đội xem các anh còn ăn khổ như thế nào. Muốn ăn theo ý mình thì bỏ tiền ra, đến những địa điểm cách ly thu phí...; không thể “được voi, đòi tiên”.

Lại có một vài học sinh (cả trai và gái) lại có thái độ đòi nơi ở “xịn”. Vừa “chân ướt, chân ráo” từ sân bay về đến khu cách ly tập trung, một du học sinh đã livestream cằn nhằn chỗ ở không được sạch sẽ, rằng bẩn không thể chịu được, không dám sờ vào thứ gì... Đáng nói là trong khi du học sinh này nằm ườn trên giường dùng điện thoại lên mạng xã hội ca thán, thì các cô chú lớn tuổi đang phải còng lưng dọn phòng cho em.

Lối sống ích kỷ, hưởng thụ không chỉ có ở một số người đi cách ly tập trung, mà còn xuất phát từ người thân của họ. Những ngày qua, có hàng nghìn người ùn ùn đổ về các khu cách ly tập trung để tiếp tế đồ ăn, vật dụng cho người thân. Chưa bàn đến chuyện họ đã vi phạm khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tránh tập trung đông người để phòng chống lây lan dịch Covid-19. Chỉ riêng việc tiếp tế gấu bông, bim bim, bia, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ... cho người đang cách ly thể hiện sự thiếu hiểu biết về tình trạng dịch bệnh và thói quen hưởng thụ khó có thể chấp nhận.

Nhiều người chỉ còn biết “cười ngao ngán” với việc “em bé” du học sinh 19 tuổi (sinh năm 2001) được cha mẹ gửi cho con gấu bông với lý do “không có gấu bông cháu nó không ngủ được”. Có bậc phụ huynh thì biết con cái có thói quen ăn vặt nên đã mang hàng bịch bim bim tiếp tế để con ăn cho... đỡ buồn. Nhiều người thì sợ cha/mẹ, vợ/chồng, con cái ở các khu cách ly tập trung sẽ “khổ” nên khuân theo cả tủ lạnh, máy điều hòa... đến tiếp tế để người thân có thể “sống thoải mái hơn một chút”.

Việc một số bậc phụ huynh tiếp tế đồ chơi, món ăn vặt cho con cái cho thấy sự nuông chiều thái quá, dễ làm các cháu sinh hư. Chẳng thế mới có những du học sinh về khu cách ly tập trung nằm duỗi dài “đo giường”, để mặc người lớn dọn phòng phục vụ như đi ở khách sạn phải trả tiền. Việc không ít người mang bia, tủ lạnh, quạt, điều hòa đến cho người thân thể hiện sự quan tâm quá mức với người thân, thiếu sự đồng cảm với cộng đồng. Các vị có nghĩ, trong khi người thân của mình được phục vụ đến tận răng, có giường êm nệm ấm, thì nhiều người khác đang phải hết sức cực nhọc phục vụ chống dịch?!

Tất nhiên là họ chẳng bao giờ nghĩ rồi. Nếu có suy nghĩ dù chỉ là một chút thôi, họ đã không bao giờ có cách hành xử ích kỷ chỉ biết đến bản thân như vậy. Chỉ để cho người thân sống thoải mái trong 14 ngày cách ly, họ đã bất chấp nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi tụ tập hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người một chỗ. Không chỉ là vấn đề sức khỏe cho bản thân họ, mà còn là vấn để kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng cho cả cộng đồng xã hội. Ai dám chắc trong quá trình tụ tập tiếp tế đồ ăn, thức uống, vật dụng cho người thân, họ không bị lây nhiễm Covid-19, để rồi trở thành ổ dịch di động khắp nơi?

Hiện, chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào cấm việc tiếp tế cho người đi cách ly, cũng không có quy định người cách ly phải tự dọn phòng chứ không được ỷ lại vào người khác, nhất là người lớn tuổi. Song, bản thân những người có hành vi như vậy phải hiểu và tự có ý thức không nên gây thêm áp lực, khiến lực lượng chức năng phải vất vả hơn nữa, bởi các chiến sĩ, nhân viên y tế đã quá mệt mỏi với việc chống dịch Covid-19 và phục vụ người cách ly rồi. Còn nếu vẫn có những người vô ý thức, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định để chế tài. Có vậy mới có thể chiến thắng dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuông chiều thái quá, dễ sinh hư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO