Phát triển trong sự hài hòa

Nam Việt 13/07/2019 08:00

Thông tin từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết, ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 dân số nước ta là 96.208.984 người. Việt Nam đã là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Cùng đó, kết quả tổng điều tra cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Cụ thể, hiện mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với 10 năm trước (năm 2009). Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2, và 4.363 người/km2.

Phát triển trong sự hài hòa

Áp dụng cơ giới - tự động hóa và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt là tầm nhìn mới của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Đô thị được phân thành 5 loại lớn nhỏ khác nhau, theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đô thị hóa được xem là tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phố tiến về làng, thực tế ấy diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Khu vực ven đô nhanh chóng biến thành phường, thành phố. Ruộng đất canh tác từ bao đời, kể cả nơi từng được coi là “bờ xôi ruộng mật” cũng phải nhường chỗ cho những con đường, những khu nhà.

Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã cho thấy, trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp, làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.

Người ta cũng thấy rằng, sự mở rộng và gia tăng dân số khu vực thành thị một cách cơ học đã gây áp lực lớn lên các đô thị, nhất là khu vực trung tâm. Trong khi tỉ lệ sinh tự nhiên tại các đô thị thấp, thì việc người dân các vùng nông thôn tới thành thị tìm kiếm cơ hội, công ăn việc làm và định cư lâu dài chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Lựa chọn công việc cũng như nơi sinh sống cho mình, gia đình mình là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, ở đây vấn đề cần được đặt ra là sự chọn lựa nơi sinh cơ lập nghiệp giữa mảnh đất lâu đời đứng chân qua nhiều thế hệ với khu vực đô thị nhiều bỡ ngỡ- làm sao cho chắc chắn, lâu bền.

Trong số những cư dân nông nghiệp về thành thị tìm kiếm việc làm, nhiều người khó tìm được cơ hội lập nghiệp lâu dài. Những năm qua, tại nhiều địa phương, lực lượng lao động trẻ có sức khỏe, kiến thức đã dời làng ra đi về thành thị làm nhiều công việc khác nhau, với mức thu nhập không cao. Mưu sinh ở làng khó khăn, nhu cầu ngày một lớn nên đó là sự chọn lựa của họ. Việc dời làng của lớp trẻ khiến nhiều ngôi làng chỉ còn người già, trẻ em. Khi mà những ông bố, bà mẹ trẻ tìm đường ra phố để lại những đứa trẻ cho ông bà chăm nuôi, không hẳn đã là điều hay.

Phân bố dân số giữa nông thôn và thành thị ở nước ta tới thời điểm này vẫn nghiêng về khu vực nông thôn. Và như đã nói, xu hướng tìm đường ra phố của lực lượng lao động trẻ vẫn sẽ không dừng lại. Thực tế ấy đặt ra một vấn đề rất căn cơ là làm gì để người dân nông thôn tìm được cơ hội phát triển ngay chính ngôi làng của mình. Đó chính là bài toán nông nghiệp - nông dân - nông thôn với đích đến là một nền nông nghiệp có giá trị hàng hóa, giá trị lao động cao; người nông dân không còn nghèo mà phải khá giả với mảnh ruộng, mảnh vườn của mình. Đáng tiếc là thời gian qua, tuy phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp và thu được không ít kết quả, nhưng vẫn còn đó dòng người bỏ làng ra đi tìm kiếm thu nhập ở những khu công nghiệp, những nhà máy, hoặc là làm những công việc giản đơn chỉ mang tính thời vụ.

Vấn đề là chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp xã đôi khi rất lúng túng tìm cách cho người dân xã mình ổn định, yên tâm ở lại với quê nhà. Họ coi sự dời làng ra đi như một điều tất yếu, và như thế cũng có nghĩa là coi việc làng mình, xã mình ngày một đìu hiu là điều không tránh khỏi.

Cách nghĩ ấy cần phải thay đổi. Thay đổi từ chính quyền, thay đổi từ chính những người trẻ.

Gần đây, đã xuất hiện những mô hình làm ăn tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là những hợp tác xã kiểu mới, tạo ra chuỗi giá trị của hàng hóa nông sản; hạn chế được rủi ro trong sản xuất, giảm thiệt hại khi “được mùa, rớt giá”, đem lại thu nhập khá cho người nông dân. Những mô hình như vậy cần được nhân rộng, khích lệ những con người xuất thân từ đồng đất cha ông.

Trở lại vấn đề, từ kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, về phân bố dân cư, trước tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ thì cùng đó phải là bồi đắp thật tốt cho khu vực nông thôn. Phát triển trong sự hài hòa giữa đô thị và nông thôn, đó phải là đích đến của đất nước không chỉ mươi năm trước mắt mà phải rất lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển trong sự hài hòa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO