Quyết liệt chống tham nhũng

Nam Việt 17/11/2018 09:30

Từ ngày 12 đến ngày 14/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31. Tại kỳ họp, UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, tập trung vào việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, những sai phạm được chỉ ra đối với ông Tất Thành Cang- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh- thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP HCM và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP HCM.

Thời gian qua, những dư luận về ông Tất Thành Cang khá nóng. Người ta chờ đợi kết luận rõ ràng về những sai phạm (hoặc không sai phạm) của ông Cang, trên cương vị là một trong những lãnh đạo chủ chốt của thành phố lớn nhất cả nước. Đặc biệt, trong vụ Thủ Thiêm và vụ Tân Thuận. Việc UBKT Trung ương xác quyết khuyết điểm của ông Cang đã cho thấy thái độ kiên quyết của Đảng đối với sai phạm của đảng viên, cán bộ, kể cả đảng viên giữ cương vị công tác cao, trọng yếu. Và, điều đó đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.

Phanh phui đến cùng “‘địa chỉ” tham nhũng, đó là quyết tâm của Đảng, đòi hỏi của dân. Ngày 10/11, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng- Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Tại cuộc họp, nhiều vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo chỉ rõ, trong đó có vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm, vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79 (liên quan đến Vũ “nhôm”), vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam...

Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu các cơ quan tư pháp cần phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật các vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương.

Có thể thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được đẩy mạnh, quyết liệt. Điều đó đã bác bỏ dư luận hoài nghi cuộc chiến đấu này đã “thiếu lửa”, “mất lửa”. Từ những thông tin từ cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 10/11) và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31 (ngày 14/11) cho thấy, chưa bao giờ Đảng ta “thiếu lửa”, lại càng không “mất lửa” trong cuộc chiến chống nội xâm, làm trong sạch bộ máy.

Cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ diễn ra ở Trung ương, mà đã lan tỏa tới các địa phương. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập tới những tồn đọng tại TP HCM. Cùng với vụ Thủ Thiêm, thì những vụ tiêu cực (hoặc có dấu hiệu tiêu cực khác) cũng đã được đưa ra.

Cùng với cá nhân ông Tất Thành Cang- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, thì ngày 10/11, cơ quan chức năng đã khởi tố nguyên Phó Chủ tịch thành phố này- ông Nguyễn Hữu Tín, liên quan đến sai phạm đất đai tại khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM.

Cùng với ông Tín, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đối với một số cá nhân có chức có quyền liên quan.

Cũng trong thời gian này, việc đặt vấn đề xử lý đối với một số cựu quan chức lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam càng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhắc lại, tại kỳ họp ngày 14/11 của UBKT Trung ương, nhiều cá nhân phạm khuyết điểm cũng đã được công khai, rõ ràng. Trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà... - liên quan tới vụ Mobifone-AVG. Đó là vụ việc rất phức tạp, kéo dài, có lúc bị dư luận hoài nghi là đã “chìm xuồng”, sau khi một số quan chức nhận án kỷ luật, thuyên chuyển.

Vụ ông Chu Hảo- vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”- cũng đã được làm sáng rõ hơn. Việc ông Chu Hảo bị khai trừ khỏi Đảng cho thấy kỷ luật nghiêm minh của Đảng.

Như vậy có thể thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ “giảm nhiệt”, ngược lại, càng được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, nhìn lại, càng thấy cần thiết phải tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác tổ chức cán bộ. Về giám sát quyền lực, đó phải là giám sát từ cơ sở Đảng, từ quần chúng nhân dân- ý kiến phản ảnh cần phải được lắng nghe, chắt lọc. Về công tác tổ chức cán bộ, quy trình bổ nhiệm - miễn nhiệm đã có, nhưng quan trọng là quy trình đó được áp dụng như thế nào, tuyệt đối quy trình không được bị lợi dụng từ đó chấm dứt lợi ích nhóm; không để những phần tử thoái hóa, biến chất “có cửa” để “chui sâu, trèo cao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO