Sống chung an toàn với dịch

Nam Việt 22/04/2020 08:30

Hôm nay, 22/4, dự kiến Thủ tướng sẽ có chỉ đạo mới về giãn cách xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước (trước đó 1 tuần), cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Sống chung an toàn với dịch

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Nhìn lại suốt từ đầu năm tới nay, khi cả nước bước vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, hơn 100 ngàn cụm dân cư trên cả nước là hơn 100 ngàn pháo đài chống dịch, chúng ta đã tiến những bước dài trong cuộc chiến đầy cam go này và đã thu được những kết quả rất tích cực. Trong khi tại thời điểm này đại dịch Covid-19 đã đẩy thế giới vào khủng hoảng với số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên tới hơn 2 triệu người, số người chết cũng đã vượt quá 250.000 người; thì trong vòng hơn 5 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới, và cũng không có người tử vong.

Điều đó cho thấy Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt.

Thành công đó có được nhờ những biện pháp đúng đắn, quyết liệt, thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới, cả nước đồng lòng. Cũng cần nhắc lại, ngay khi dịch Covid-19 nổ ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), là quốc gia láng giềng chung đường biên giới rất dài với Trung Quốc, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc phòng, chống dịch, vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tất cả các cửa khẩu, các đường mòn lối mở tuyến biên giới phía Bắc. Tiếp đó, là kiểm soát chặt chẽ đường hàng không với những biện pháp kiểm soát y tế, truy vết người bị nhiễm SARS-CoV-2 để cách ly, điều trị. Có nghĩa là chúng ta đã rất chủ động và kiên quyết ngăn dịch và khoanh vùng dập dịch, quyết tâm không để đỉnh dịch bùng phát khi đã có dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng.

Nếu không quyết liệt với những ca F0, F1,F2 và cả F3 thì tình hình sẽ diễn biến nguy hại đến chừng nào.

Đặc biệt nhất là với Chỉ thị 16 của Chính phủ, kể từ 0 giờ ngày 1/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, nhà nào ở nhà đó. Trong suốt hơn 20 ngày qua, người dân tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế ở mức thấp nhất ra đường, không tụ tập trên 2 người. Các hàng quán kinh doanh đóng cửa trừ những cửa hàng kinh doanh những mặt hàng thiết yếu. Làm việc ở nhà, mua bán trực tuyến dần trở thành cách thức mới của xã hội.

Tuy nhiên, nhịp điệu cuộc sống chậm hẳn lại cũng có nhiều bất tiện. Khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh chùng xuống cũng có nghĩa là nhiều người lao động gặp khó khăn, nhất là với những người lao động tự do phải mưu sinh theo từng ngày, cho dù Chính phủ đã quyết định gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ.

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sáng 20/4 thì chúng ta đã kiểm soát được tình hình sẵn sàng “sống chung an toàn” với dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được chủ quan. “Sống chung an toàn” được hiểu là chúng ta vẫn có dịch và chấp nhận điều đó, nhưng đã kiểm soát được và đã đến lúc cần khôi phục dần các hoạt động xã hội. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trên cơ sở thực tế cần nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại. Thủ tướng lưu ý, khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là đúng đắn, là giải pháp quan trọng trong ngăn ngừa dịch bệnh thời gian qua nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.

Nới lỏng giãn cách xã hội- ai ai cũng mong có được điều đó khi mà dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Trong cuộc chiến ròng rã gần 4 tháng qua chống “giặc” Covid-19, nhận thức của từng người dân đã được nâng lên; ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng đã thấm nhuần. Không chủ quan trước những gì đã đạt được, nhưng chúng ta vững tin hơn vào kinh nghiệm đã có được.

Khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội khi được áp dụng sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển, an sinh xã hội. Dập dịch đã được ưu tiên hàng đầu thì cũng cần thiết phải duy trì, phục hồi và tăng cường sản xuất kinh doanh. Các báo cáo của các định chế tài chính uy tín của thế giới đều thống nhất ở một điểm: Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 vì thế sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, dự báo năm 2020 Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia có chỉ số phát triển GDP cao nhất.

Và đây chính là thời điểm chúng ta vẫn tiếp tục chống dịch đồng thời bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cực kỳ khó khăn chưa từng có trong tiền lệ nhưng với niềm tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ chiến thắng cả trên hai mặt trận ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống chung an toàn với dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO