Sống trong an bình

Nam Việt 13/04/2016 10:00

Cùng với nạn hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thì gần đây người ta lại tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu bất thường khác của thiên nhiên, cả ở miền núi phía Bắc và miền Trung. Trong đó có thể kể đến mưa đá ở Lào Cai, động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam). Vấn đề đặt ra là giải pháp bền vững nào cho người dân ở những vùng thiên tai được coi là lặp lại?

Sống trong an bình

Người dân xã Song An (An Khê, Gia Lai) đào giếng lấy nước.

Rạng sáng ngày 9/4, ở thị trấn phố Ràng, huyện Bảo Yên; xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng; xã Quang Kim, huyện Bát Xát của Lào Cai đột ngột xuất hiện mưa đá. Đáng nói là trận mưa đá này khá lớn, với những viên đá khá to từ trên trời rơi xuống. Ngay cả địa bàn thành phố Lào Cai thì mưa đá cũng rơi ở phường Duyên Hải.

Trận mưa đá kèm theo giông này kéo dài khoảng 8 phút, với những hạt đá có đường kính từ 0,5 - 2cm. Hoa màu của người dân bị dập nát. Thực ra thì mưa đá không lạ với người Lào Cai, vì hầu như năm nào cũng xuất hiện, phá hủy hoa màu. Nhưng với năm nay, khi mùa mưa chưa đến thì mưa đá đã “nhanh chân” đến trước. Và hoa màu của người dân một lần nữa lại tan nát.

Tại khu vực thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam), mấy năm qua người dân rất lo lắng trước hiện tượng động đất, tuy rằng lúc mạnh lúc yếu khác nhau. Mới nhất, đêm 9/4 tại đây xuất hiện trận động đất cường độ 3,2 độ Richter, với độ sâu chấn tiêu khoảng 7km.

Vào thời điểm xảy ra động đất, người dân sống ở khu vực thị trấn Trà My cách đập thủy điện khoảng 7km cũng cảm nhận có sự rung lắc, còn người dân sống ở gần khu vực thủy điện thì nghe có phát ra nhiều tiếng nổ lớn. Đáng chú ý, đây là trận động đất thứ 3 trong năm 2016 tại khu vực này. Trận động đất gần nhất xảy ra ngày 31/1 có độ lớn 3,7 độ Richter, trận trước đó ngày 24/1 có độ lớn 3,3 độ Richter.

Thủy điện sông Tranh 2 là thủy điện lớn, đã từng gây hoang mang khi người ta phát hiện những vết nứt trên thân đập. Đe dọa đến từ sự cố con đập này (nếu có) với nguyên nhân động đất được dự báo sẽ là rất lớn. Với khu vực này, nhiều ý kiến cho rằng năm nào cũng xảy ra vài trận động đất, không báo trước được, người dân bất an, vậy thì cũng cần phải tính đến việc di dời dân. Để cho bà con có nơi an cư, không còn phải sống trong lo âu, sợ hãi.

Một vấn đề nóng kéo dài suốt gần 2 tháng qua, chính là sự khô hạn và nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng. Năm nay là năm có lượng mưa trung bình thấp nhất trong vòng 20 năm qua, điều đó được giải thích do hiện tượng El Nino. Tây Nguyên khát, hàng ngàn chiếc giếng được đào để tìm kiếm nguồn nước ngầm, không chỉ để duy trì những vườn cà phê, hồ tiêu..., mà còn để cứu sống đàn gia súc, và cả nước sinh hoạt cho con người.

Những con sông Tây Nguyên khô cạn, lòng sông nhô lên những mỏm đá lạnh lùng. Những hồ chưa nước ở khu vực này cũng đã gần xuống đến mực nước chết. Việc điều hòa nguồn nước cho toàn vùng vì thế hết sức khó khăn.

Nắng hạn còn lan rộng ở khu vực Nam Trung Bộ. Những tỉnh duyên hải từ Bình Định vào tới Bình Thuận nhiều vùng thiếu nước. Nhất là tại Bình Thuận, đây là vùng khô nóng nhất cả nước, lượng mưa hàng năm cũng thấp nhất, nhưng năm nay trời còn làm khó khăn hơn. Những đàn gia súc kiệt sức vì thiếu nước, cây cỏ chết khô, hiện tượng sa mạc hóa đã hiện diện rất rõ ràng.

Tại đây, không ít gia đình đã phải sơ tán vì không có nước sinh hoạt. Cuộc sống của bà con rất khó khăn. Vì thế, với những vùng nắng nóng, đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp kĩ thuật để tăng nguồn nước, trong đó có việc xây dựng những con hồ chứa nước lớn và tìm kiếm mạch nước ngầm để phục vụ tưới tiêu. Kinh nghiệm của Israel trong vấn đề này là rất hữu ích, cần được tham khảo đầy đủ trên tinh thần Nhà nước đầu tư lớn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn lại đi cùng với sự xâm nhập của nước biển theo những dòng sông vào sâu nội đồng, khiến nhiều khu vực vốn sầm uất bỗng trở nên khó khăn. Tới nay, dù đã đón nguồn nước được xả ra trên dòng Mekong từ Trung Quốc và Lào, thì cũng không đủ cải thiện tình hình.

Thực tế thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục khó khăn. Sự khó khăn được báo trước khi mà nước biển dâng và trên thượng nguồn dòng Mekong rất có thể lại tiếp tục mọc thêm những đập thủy điện. Những cánh đồng trù phú Tây Nam Bộ rồi đây sẽ ra sao khi không còn mùa nước nổi? Điều đó phải được nhìn nhận kĩ lưỡng và phải có giải pháp căn cơ ngay.

Như vậy, có thể nói, sự biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu ngày càng rõ ràng, nhiều nơi tác động xấu ấy cứ lặp đi lặp lại. Chúng ta đã có nhiều biện pháp, nhiều hành động cứu trợ người dân vùng thiên tai- đó là sự nỗ lực rất lớn. Nhưng, không lẽ cứ để tình trạng đó năm nào cũng diễn ra rồi để lại cứu trợ? Đã đến lúc cần có giải pháp bền vững cho những vùng đất thường xuyên chịu sự tác động xấu từ thiên nhiên, để người dân được sống trong an bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong an bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO