Sửa luật để chống tham nhũng

Việt Thắng 09/07/2016 14:05

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, công tác PCTN đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày thêm công khai, minh bạch. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Vì thế hoàn thiện Luật PCTN vào lúc này là vấn đề cần được đặt ra.

Sửa luật để chống tham nhũng

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật PCTN vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn tất để chuẩn bị trình Quốc hội xin ý kiến. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu để siết tham nhũng. Thực tế qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ đã nhìn nhận thấy một số điểm yếu.

Đó là: “Công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện; trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp; chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể; minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bao gồm cơ quan kiểm tra của Đảng, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và cơ quan giám sát chưa phù hợp; tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng; chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản khác trong hệ thống pháp luật dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất.

Hạn chế thì đã được nhìn ra, nhưng khắc phục bằng cách nào thì đó chính là vấn đề của Luật PCTN sửa đổi. Có thể thấy, điểm mấu chốt được Dự thảo Luật PCTN lần này đề cập chính là “kê khai tài sản thu nhập”- vấn đề đang còn nhiều ý kiến cũng như kẽ hở dẫn đến khó thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng “có điều chỉnh cho rõ ràng hơn”. Cụ thể: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đáng chú ý, qua kết quả xác minh nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thì cơ quan đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.

Vậy là ngoài những đối tượng điều chỉnh, Dự thảo Luật PCTN đã có những biện pháp để kiểm soát tài sản cá nhân khi mà thời gian qua vấn đề này có những bất cập khi tài sản được chuyển nhượng sang tên cho vợ hoặc chồng và con cái. Nói như lời TS Nguyễn Quốc Văn- Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước một cách toàn diện sâu rộng như các mô hình cơ quan PCTN. Các biện pháp nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích, thực hiện các biện pháp và cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả, xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc liêm chính trong hoạt động kinh doanh”.

Một điểm rất đáng chú ý, nhằm phát huy vai trò của người dân trong công tác PCTN, Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng, và quy định cụ thể hơn về việc khen thưởng người tố cáo, người có thành tích trong cung cấp thông tin tố cáo về tham nhũng. Song, theo phân tích của PGS.TS Vũ Công Giao- Viện Chính sách công và Pháp luật, Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam: Luật Tố cáo năm 2011 quy định, UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú nhưng trong trường hợp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo, nhưng Luật lại không quy định trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào mà chỉ quy định trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có thẩm quyền.

Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi) không có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo mà chỉ quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ. Từ phân tích trên, theo ông Giao, để tố cáo thực sự là công cụ phát hiện tham nhũng hữu hiệu và khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng “cần có một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo tham nhũng được quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo hoạt động.

Căn cứ trên tình hình thực tế của Việt Nam, nên giao chức năng chủ trì điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan công an cụ thể là lực lượng cảnh sát. Theo đó lực lượng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo. Các cơ quan Nội vụ; MTTQ Việt Nam; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo- theo ông Giao.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thịnh- Cục Pháp chế, Bộ Công an thì cần thiết lập chương trình bảo vệ nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ. Ở Trung ương, chương trình này đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an, có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao; ở các tỉnh, thành phố, chương trình đặt dưới sự lãnh đạo của Công an tỉnh và sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp. “Chương trình bảo vệ được tiến hành khi có thông tin xác thực về nguy cơ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm, đồng bọn, hoặc thân nhân của chúng đối với người tố giác, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác.

Trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay sự nguy hiểm của tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ thì Ban chỉ đạo phải áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp, cử ngay lực lượng bảo vệ đến nhà ở, nơi làm việc của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa họ đến nơi an toàn”- Theo ông Thịnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa luật để chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO