Sức ép đô thị

Nam Việt 29/03/2016 09:23

Trong sự phát triển, vị trí của các đô thị là hết sức quan trọng, vừa là “đầu tầu”, vừa là tâm điểm lan tỏa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không ít đô thị đã không thực sự bứt phá, đôi khi còn không làm tròn nhiệm vụ. Trong những nguyên nhân ấy, người ta hay nói về sự ràng buộc của cơ chế; năng lực quản lý, điều hành; tốc độ đô thị hóa quá mạnh đến độ không quy hoạch nổi... Trong đó, nổi bật là bất cập về cơ chế. 

Sức ép đô thị

Kẹt xe, một trong những vấn nạn của nhiều thành phố.

Mới đây, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng kêu gọi phải phấn đấu để “đòi lại” vị trí từng có là “Hòn ngọc Viễn Đông” cho thành phố.

Ông Thăng nhấn mạnh, với vị trí đặc biệt quan trọng, TP HCM phải có khát vọng cao hơn, xa hơn. Đáng chú ý, ông Thăng cho rằng TP HCM sẽ tiếp tục theo đuổi việc xây dựng chính quyền đô thị với các cơ chế cởi mở để tạo ra sức mạnh phát triển; không thể tự bằng lòng với việc “mỗi năm tăng trưởng hơn một chút”, dẫu rằng vẫn đứng đầu cả nước về nộp ngân sách.

Cơ chế, đó là vấn đề hết sức quan trọng đối với TP HCM nhưng cũng là vấn đề của các đô thị khác. Xuất phát từ vai trò, vị trí thì việc nới rộng quyền cho các đô thị là hết sức cần thiết. Trong đó, việc chủ động ngân sách, chủ động nhân sự là then chốt. Trong khi nhiều địa phương (cấp tỉnh) hàng năm vẫn phải xin ngân sách Trung ương, thì nhìn một cách tổng quát, các đô thị dù lớn dù bé đều tự tạo ra nguồn kinh phí dương, đóng góp cho địa phương cũng như Trung ương.

Bởi vậy, trong chừng mực nhất định, trong vụ việc cụ thể các đô thị cần được chủ động ngân sách phục vụ cho sự phát triển của chính mình. Những con đường ven biển rất đẹp chạy dài hàng chục cây số tại Nha Trang, Vũng Tàu là minh chứng của việc dùng nguồn ngân sách địa phương đầu tư lại cho chính mình để phát triển mang tính đột phá. Tất nhiên, các đô thị cũng không thể chỉ trông chờ vào kinh phí từ ngân sách dù là mình làm ra, mà việc xã hội hóa cũng phải được coi trọng.

Về vấn đề nhân sự, hay nói rõ ràng hơn là cán bộ lãnh đạo, người ta đã thấy rõ, việc “áp cứng” cơ cấu trong nhiều trường hợp là không cần thiết, chưa nói đến việc từ đó mà gây ra lãng phí. Ví dụ như có nhất thiết đơn vị nào cũng phải có 1 trưởng cùng vài ba phó? Tự địa phương sẽ cân nhắc được nặng nhẹ, nơi nào cần nhiều người, nơi nào ít hơn. Có như vậy bộ máy mới tinh gọn, mới năng động.

Vì vậy, việc TP HCM kiên trì theo đuổi mô hình chính quyền đô thị với việc tự chủ nhiều hơn rất cần được ủng hộ, để từ đó ứng dụng đối với các đô thị khác, tạo ra sung lực cho sự phát triển, nhằm giúp các đô thị phát huy tốt vai trò đầu kéo và lan tỏa của mình.

Nhưng, trong quá trình phát triển đô thị, cũng cần nhìn nhận những sức ép mà nó phải chịu đựng, đối mặt và phải vượt qua. Hơn 20 năm qua, sự “phình ra” của các đô thị là rất lớn. Dân số hầu hết các đô thị đều tăng nhanh một cách cơ học, do lượng người từ nông thôn tìm đến làm việc, xây dựng cuộc sống; do sự bùng nổ của các khu công nghiệp. Tốc độ xây dựng chóng mặt.

Từ đó, các đô thị phải gồng mình với việc giải quyết thủ tục hành chính, phải giải quyết những vấn đề dân sinh, thiết thân từng ngày từng giờ tới đời sống con người. Không chỉ tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở, các đô thị còn phải lo về hệ thống đường giao thông, bệnh viện, trường học... Lo công việc, lo bát cơm manh áo, lại phải lo đến cả vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.

Ngay cả TP HCM, nói như ông Đinh La Thăng thì thành phố vẫn là số 1 cả nước về nộp ngân sách, về một số chỉ tiêu khác nhưng cũng lại dẫn đầu nhiều thứ rất không đáng như tình hình tội phạm, kẹt xe, ngập nước… Đó chính là những vấn nạn, tạo ra thách thức lớn trong quá trình phát triển của đô thị.

Chỉ một việc vệ sinh an toàn thực phẩm mà người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đã phải đưa ra đề nghị thành lập một cơ quan trực thuộc UBND thành phố hoặc một hình thức nào đó để giám sát. “Chúng ta không thể chấp nhận một thành phố văn minh, có chất lượng sống tốt mà để người dân phải ăn bẩn. Nhiệm vụ này là của chúng ta”- Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Trở lại vấn đề sức ép lên đô thị trong quá trình phát triển, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nới rộng cơ chế về quyền tự chủ càng ngày càng phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Có như vậy các đô thị mới chủ động giải quyết được những vấn đề phát sinh của chính mình, với đặc thù của mình và cũng chọn được, đầu tư đúng phát triển thế mạnh của chính mình.

Điều đó có dẫn tới lạm quyền, lộng quyền không? Không loại trừ! Nhưng không phải vì thế mà để cho các đô thị phải “mặc một chiếc áo chật”. Chúng ta có nhiều hệ thống giám sát, nhiều cách giám sát, nếu dũng cảm và công tâm thì sẽ hạn chế được tiêu cực có thể phát sinh. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, quyết sách là cơ sở quan trọng để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.

Do đó, dù sức ép ngày một lớn, thách thức ngày một nhiều nhưng với cơ chế tự chủ nhiều hơn, các đô thị sẽ phát triển với vai trò là “đầu kéo” cho sự phát triển của vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức ép đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO