Tài liệu của Trung Quốc chứng minh sự phi lý của 'đường lưỡi bò'

Thành Luân 31/07/2015 08:45

Bày tỏ ngạc nhiên về sự “lấp liếm” vô lý của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, nhiều học giả, nhà nghiên cứu Biển Đông đã chỉ ra các bản đồ, thư tịch cổ của chính Trung Quốc đã khẳng định cương vực của nước này chỉ dừng lại ở Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) và chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Ngày 30/7, tại TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo (HCMCOIS) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học: “Tranh chấp Biển Đông - Vấn đề tư liệu và quan điểm chính thống”, thu hút nhiều ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu tham gia thảo luận.

Tài liệu của Trung Quốc chứng minh sự phi lý của 'đường lưỡi bò'

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Với bài tham luận: “Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã dẫn ra nhiều thư tịch và bản đồ cổ của chính Trung Quốc chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với những luận điệu về “đường lưỡi bò” hết sức vô lý mà Trung Quốc đưa ra thời gian qua.

Đáng chú ý, những bản đồ từ thời Tần – Hán đến thời Trung Hoa Dân quốc đều xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không hề xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc. Từ thời nhà Minh trở về trước thì chỉ ghi nhận đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc và không thể hiện hai quần đảo này nằm trong cương vực của Trung Quốc; hoặc có ghi nhận hai cách gọi “Vạn Lý Trường Sa” và “Thiên Lý Thạch Đường”, nhưng chú dẫn đó là những đảo thuộc “Phiên quốc” (nước ngoài). Ngoài ra, sách “Quảng Đông thông chí” biên soạn thời Gia Tĩnh (1522 - 1566) triều Minh thì phần hải đảo của Trung Quốc chỉ giới hạn ở Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam).

Dưới thời nhà Thanh (1644 - 1911), việc vẽ bản đồ quốc gia và bản đồ các tỉnh của Trung Quốc rất được các vị hoàng đế của triều đại này chú trọng. Trong đó, vào năm 1708 Hoàng đế Khang Hi đã sử dụng các giáo sĩ Phương Tây tiến hành khảo sát, đo vẽ bản đồ trên toàn cõi Trung Hoa. Sau gần 10 năm thực hiện thì công việc hoàn thành, với kết quả ra đời bộ bản đồ “Hoàng dư toàn lãm phân đồ” vào năm 1717. Tuy nhiên, trên bộ bản đồ này thì cương vực phía Đông Nam của Trung Quốc thực sự chấm dứt ở đảo Hải Nam.

Đến năm 1728, nhà Thanh xuất bản bộ bách khoa toàn thư “Cổ kim đồ thư tập thành” một vạn quyển, nhưng trong tập bách khoa thư đồ sộ này cũng hoàn toàn không có bản đồ nào ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Trong đó, quyển 1 trong mục “Chức phương điển” có các bản đồ vẽ phần lãnh thổ phương Nam của Trung Quốc đến thời Khang Hi nhà Thanh không ghi nhận các quần đảo xa hơn đảo Hải Nam.

Ngoài các bản đồ trong bộ “Hoàng dư toàn lãm phân đồ” và trong bách khoa thư “Cổ kim đồ thư tập thành” có nhiều bản đồ do nhà Thanh hoặc do chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc xuất bản chính thức cũng không hề ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi điểm chung của các bản đồ này là cương giới cực nam của Trung Quốc và luôn dừng lại ở đảo Hải Nam.

“Chúng tôi cũng tìm hiểu tài liệu “Hải quốc đồ chí” do Ngụy Nguyên biên soạn vào năm 1842 có in bức địa đồ “Đông Nam dương các quốc diên cách đồ”, trên đó có vẽ khá chi tiết hai quần đảo “Vạn Lý Trường Sa” và “Thiên Lý Thạch Đường” là hai quần đảo mà Trung Quốc ngày nay gọi là Tây Sa và Nam Sa và nhận “vơ” là của Trung Quốc thì chính tác giả tài liệu này lại xác nhận hai quần đảo này nằm ngoài cương vực Trung Quốc như cách đặt tên địa đồ này” - TS Trần Đức Anh Sơn cho biết.

Việt Nam có điểm tựa là lịch sử và pháp lý

Theo TS Nguyễn Nhã - một chuyên gia về Biển Đông - về khía cạnh pháp lý thì từ cuối thế kỷ 19, đã có ít nhất là 13 quốc gia trên thế giới có các nghiên cứu, cũng như đưa ra các tư liệu quốc tế thực sự có giá trị chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. “Nhưng vấn đề là chúng ta vẫn yếu trong việc kết nối giới khoa học trong nước và quốc tế để thực sự tập hợp được đội ngũ này trong việc đấu tranh về mặt pháp lý, cứ liệu lịch sử khoa học với các quốc gia đang có tranh chấp với chúng ta” - TS Nguyễn Nhã chia sẻ.

Là chuyên gia trí thức kiều bào từ Bỉ, GS Nguyễn Đăng Hưng cũng bày tỏ sự đồng cảm với các chia sẻ của TS sử học Nguyễn Nhã và TS Trần Đức Anh Sơn khi nhận định rằng: Công tác nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước vẫn còn thua kém rất nhiều lần so với ở Trung Quốc.

Chuyên gia này chia sẻ: “Chúng ta chưa có một đầu mối thống nhất để sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã có các giảng viên giảng dạy ở khắp các trường ĐH trên thế giới, để giảng dạy và tuyên truyền tài liệu của họ về Biển Đông”. Theo GS Hưng, hiện nay Việt kiều hải ngoại rất quan tâm đến Biển Đông vì vấn đề biển đảo là vấn đề sống còn đối với đất nước hiện nay. Do đó, nhất thiết cần phải có một tổ chức đại diện cho Việt Nam để sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu về biển đảo.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) và Thạc sĩ Hoàng Việt, ĐH Luật TP HCM cũng đã chia sẻ với các ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề giá trị pháp lý của các tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết, nếu xem kỹ lại các yêu sách của Trung Quốc thì đã có thay đổi. Dưới góc độ pháp lý quốc tế thì các luật quốc tế xác lập mạnh nhất từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, thể hiện ở các bộ luật quốc tế về biển. Do đó, để các tài liệu lịch sử về chủ quyền có tính pháp lý quốc tế cao thì các nghiên cứu cần được kết nối dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, đó là điều mà chúng ta đang yếu và cần phải được đầu tư trong thời gian tới.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của các nhà nghiên cứu, TS Trần Đức Anh Sơn cho biết, hiện nay công tác nghiên cứu trong nước chưa có đầu mối kết nối, và cũng chưa có ai đứng ra để làm bản kiến nghị chung. “Do đó, chúng tôi nghĩ là phải có hội thảo quốc gia về vấn đề này thì sau đó chúng ta sẽ có kiến nghị chung để Đảng, Nhà nước có nghị định về vấn đề này. Trên hết, phải có đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu thì mới khẳng định vững chắc giá trị lịch sử và pháp lý mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” - TS Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài liệu của Trung Quốc chứng minh sự phi lý của 'đường lưỡi bò'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO