Tài sản ở đâu?

Nam Việt 06/09/2016 01:35

Tự giác trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân là đòi hỏi đầu tiên với đối tượng kê khai. Nhưng để việc kê khai đúng thì việc giám sát tài sản thực tế, kiểm soát nguồn thu là vấn đề quan trọng.

Tranh minh họa.

Kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức là một biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng. Vấn đề là người khai có trung thực hay không, và trong trường hợp không trung thực khi bị phát hiện sẽ xử lý thế nào.

Gần đây, chuyện kê khai tài sản của cán bộ, công chức lại được dư luận quan tâm khi mà báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của một số địa phương hầu như không phát hiện được mấy trường hợp kê khai không trung thực.

Sự trung thực phải được coi là một thuộc tính của cán bộ, công chức, bởi họ là công bộc của dân, được trả lương để phục vụ dân. Ai cũng biết, với những khoản thu nhập hiện có của cán bộ, công chức chủ yếu là từ lương tháng, thì không thể giàu có được. Biết thế, sợ bị phanh phui, nên khi kê khai thu nhập cũng như tài sản, nhiều người lập tức giấu giếm.

Nếu thu nhập của mình minh bạch, xứng đáng thì việc gì phải giấu? Không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân rồi cũng sẽ dẫn đến thiếu trung thực ở nhiều việc khác. Một người giấu, nhiều người giấu, việc kiểm tra, xử lý không nghiêm, không triệt để sẽ dẫn đến nguy cơ quy định kê khai thu nhập, tài sản chỉ còn là hình thức, không tác dụng.

Ở đây cần phải nói đến việc giám sát, kiểm tra sự kê khai đó có đúng hay không. Nhưng ai sẽ làm việc đó? Đây mới là câu hỏi khó, bởi rất có thể người kiểm tra cũng lại… giấu khi mình phải kê khai. Hiện, các đơn vị chỉ sử dụng bản kê khai khi có vấn đề phản ánh, tố cáo. Thậm chí, bản kê khai của cán bộ chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và thực tế, cũng như nguồn gốc tài sản.

Thế nên mới có chuyện, đa số người bị tố tham nhũng, có những nguồn tài sản lớn, không rõ nguồn gốc (hay nói cách khác là bất minh) chỉ “bị lộ” khi người dân tố, báo chí vào cuộc. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện gian dối mới đành nhận lỗi. Do mức độ xử lý không tới đâu trước hành vi thiếu trung thực khi kê khai nên nhiều người không sợ, đến khi phải kê khai (theo đợt) thì chỉ kê khai cho có.

Đã có ý kiến cho rằng, do đối tượng kê khai nhiều quá nên “làm” không xuể. Có phải như vậy? Trong không ít các báo cáo minh bạch đã kết luận rằng nạn tham nhũng vặt ở ta là phổ biến. Nhiều cái vặt sẽ thành cái lớn, nhiều cái nhỏ sẽ thành cái lớn. Vì thế không nhất thiết phải rút gọn đối tượng kê khai, mà quan trọng hơn là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát đảm bảo sự trung thực, minh bạch của việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

Khi phát hiện cán bộ khai dối thì phải có hình thức xử lý nghiêm minh, đồng thời cũng phải phải có hình thức xử lý đối với khối tài sản tăng thêm, tài sản không giải trình được. Thiếu kiểm tra, thiếu hình thức kỷ luật với người kê khai gian dối sẽ không mang lại kết quả, và đương nhiên cũng không đạt được mục đích đặt ra ban đầu.

Cũng cần nhắc lại, ngày 8/7 vừa rồi, trong Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII được sửa đổi, bổ sung việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có nghĩa là Đảng ta rất coi trọng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, nhất là với những người có chức, có quyền. Điều đó để tăng cường tính trung thực, ngăn chặn hành vi tham ô, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ. Cùng đó, Thanh tra Chính phủ cũng tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo đó, về kiểm soát tài sản thu nhập, để khắc phục hạn chế sẽ không chỉ giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, để tránh việc kê khai rất hình thức, không kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập. Có nghĩa là, việc kê khai thu nhập, tài sản sẽ được siết lại, bịt lỗ hổng. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách trên đến đâu vẫn phải chờ vào việc triển khai thực hiện trong thực tiễn nhất là khi việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng vẫn đang nằm ở khâu lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Vẫn còn đó những chuyện đáng buồn khi trên giấy tờ kê khai tài sản, “cán bộ rất nghèo” tài sản chẳng có gì đáng giá, bản kê khai “trắng trơn” nhưng khi vỡ chuyện mới té ngửa là có rất nhiều tài sản. Vài ba ngôi nhà, kể cả biệt thự nguy nga, vài ba chiếc ôtô xịn… lúc đó mới lộ ra. Có nghĩa là giữa giấy tờ tự kê khai với thực tế ngoài đời là một khoảng cách ghê gớm.

Để rút ngắn lại khoảng cách ấy chỉ có cách phải có chế tài buộc người ta phải kê khai đúng, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thu nhập, công khai bản kê khai của cán bộ, công chức để người dân và cử tri giám sát, khiến người ta không dám kê khai gian dối. Không thể cứ đợi tự giác mãi và cứ mãi tin vào sự tự giác ấy, mà phải có biện pháp kiểm tra, hậu kiểm, rà đi soát lại với những trường hợp có dấu hiệu giàu lên bất thường.

Tài sản ở đâu? Trên giấy hay là trên thực tế? Có lẽ là phải dựa vào thực tế. Từ đó soi ngược lại những tờ tự khai. Anh phải giải trình được nguồn gốc tài sản của mình, và nếu khai dối thì phải bị xử lý nghiêm về hành vi thiếu trung thực, trốn đóng thuế thu nhập cá nhân- hành vi vi phạm đạo đức cán bộ, công chức.

Tự giác trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân là đòi hỏi đầu tiên với đối tượng kê khai. Nhưng để việc kê khai đúng thì việc giám sát tài sản thực tế, kiểm soát nguồn thu là vấn đề quan trọng. Để không bị lặp lại cảnh “giả nghèo giả khổ” nhưng thực ra lại đang “ngồi” trên khối tài sản lớn, mà nếu chỉ dựa vào thu nhập bình thường thì sẽ không bao giờ có được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài sản ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO