Tấm lòng với người vùng lũ

Lục Bình 19/12/2016 11:15

Người dân các tỉnh Nam Trung Bộ những ngày này kiệt quệ vì lũ dữ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Không để người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, không để người dân đói rét…Với truyền thống tương thân tương ái, những ngày qua đã có không ít đoàn cứu trợ đến với khúc ruột miền Trung, chia sẻ gian nan vất vả với bà con. Miền Trung đang rất cần những tấm lòng nhân ái trong ý nghĩa đồng bào.

Người Bình Định đã kiệt sức vì chạy lũ.

Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung liên tiếp gánh 5 đợt mưa lũ lớn khiến 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương, nặng nhất là Bình Định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, “5 đợt lũ liên tiếp dội xuống Bình Định đã khiến hơn 18 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, 300 ngôi nhà sập, hàng ngàn nhà bị ngập nước... Lũ chồng lũ đã khiến cơ sở hạ tầng của Bình Định “quay lại 10 năm trước”. Hiện 50.000 học sinh của tỉnh đang đối mặt với tình trạng bỏ học bởi toàn bộ sách vở của các em đã bị lũ cuốn, tiền học phí không có để trang trải...

Mưa chưa dứt, hiện người dân các tỉnh miền Trung vẫn căng mình dùng sức người để chống lại sức mạnh của thiên nhiên. Suốt những ngày qua, mưa trên trời trút xuống, nước dưới sông dâng lên, người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa không chợp mắt. Bởi họ lúc nào cũng sẵn sàng tư thế chạy lũ. Chạy để thoát thân. Chạy nhưng cũng phải vớt vát chút tài sản cuối cùng còn lại. Bởi lũ rút rồi họ biết lấy gì để sống…

Người dân vùng lũ luôn thường trực tư thế “chạy”, nhưng họ không bỏ lại sau lưng đồng bào của mình. Lũ quét sạch mọi thứ nhà cửa, tài sản, hoa mầu thậm chí tước đoạt tính mạng của không ít người… nhưng chính ở những nơi đó tình người luôn đọng lại. Những ngày này, cả nước không khỏi cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của 4 cô giáo trường mầm non xã An Hiệp, Phú Yên vào 13-12. Họ đã dầm mình trong lũ quét để cứu 15 cháu nhỏ. Hình ảnh mỗi cô ẵm, bồng, để 4-5 cháu nhỏ đu lên vai, lên cổ “thà cô chết quyết không để trò chết” đã làm rơi nước mắt của bao người. Có hình ảnh nào đẹp hơn thế!

Về vùng lũ thời điểm này đâu đâu cũng thấy những hình ảnh đẹp. Một học sinh lớp 12 cứu học sinh lớp 8 khỏi cơn lũ cuốn, hay học sinh lớp 11 cứu học sinh lớp 6 khỏi bị nước cuốn trôi, rồi một ông lão gầy gò 73 tuổi cứu một nữ sinh 19 tuổi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần để rồi sau đó ông cũng bị lũ cuốn suýt mất mạng… Tất cả những hành động ấy đã sáng ngời phẩm chất cao đẹp của người vùng lũ.

Còn đó rất nhiều, rất nhiều những tấm gương của các chiến sĩ công an, bộ đội…lao vào lũ dữ cứu người để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người do lũ dữ đem lại. Lũ chưa rút, người ta thấy người dân vùng lũ chia nhau từng bơ gạo, từng củ khoai, mớ rau con cá. Bà con không ai bảo ai, nhà đông người giúp nhà neo người dọn lũ, dựng lại nhà…Những ngày qua họ đã nỗ lực hết mình tìm cách vượt qua cơn bĩ cực.

Trước những mất mát đau thương của người vùng lũ, những ngày này, nhân dân cả nước hướng về khúc ruột miền miền Trung. Hàng triệu trái tim, hàng triệu tấm lòng, hàng triệu nhu yếu phẩm đủ tất cả các thể loại được góp, được kêu gọi, được chuyển tới nhân dân vùng lũ với mong mỏi góp sức cùng vượt qua hoạn nạn. Tất cả thật đáng trân trọng, đáng tự hào…

Nhưng có vẻ mọi sự giúp đỡ chưa thấm tháp vào đâu so với những sự mất mát quá lớn của người dân. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định “thì thời gian qua nhân dân Bình Định đã nhận được sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng. Bình Định đã kịp thời huy động toàn bộ sức người, sức của để khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Nhưng những thiệt hại quá lớn nên đời sống của hàng ngàn người dân vùng ngập lũ đang hết sức khó khăn, thiếu thốn, rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất”.

Hơn lúc nào hết, người dân vùng lũ các tỉnh Nam Trung Bộ rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng. Mưa rồi cũng ngớt. Lũ rồi cũng rút. Nhưng hậu quả của những trận lũ chồng lũ với dải đất này sẽ là rất nặng nề, lâu dài. Cần lắm những tấm lòng sẻ chia, để người vùng lũ sớm hồi sức, đứng dậy sau những tổn thất quá đỗi nặng nề. Tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc từng thể hiện trong nhiều thời điểm; không bỏ ai trong hoạn nạn, khó khăn; thì nay một lần nữa sẽ được thể hiện rõ nét với những hành động cụ thể chia ngọt sẻ bùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm lòng với người vùng lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO