Tầm nhìn đất đai

Kiên Long 01/04/2016 23:52

Vấn đề sử dụng đất đai, từ quy hoạch cho đến việc sử dụng hàng ngày được người dân rất quan tâm. Quốc hội kỳ này tiếp tục bàn, quyết định điều chỉnh việc quy hoạch đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian 2016-2020. Việc điều chỉnh, bổ sung tăng, giảm liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân cũng như hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội. Tầm nhìn, sự quyết định đúng đắn của cơ quan quyền lực cao nhất sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho dân và sự phát triển của đất nước tro

Không ít quy hoạch treo gây lãng phí quỹ đất.

Xưa nay, đất đai luôn là đề tài, vấn đề nóng. Càng đặc biệt hơn với người dân Việt Nam khi đa số là nông dân, đi lên từ nền văn minh lúa nước, hoạt động sản xuất, sinh hoạt luôn gắn với đất đai. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hơn lúc nào hết yêu cầu phát huy được thế mạnh của đất, của người nông dân là đòi hỏi khắt khe trong quá trình phát triển.

Làm sao để việc quy hoạch hợp lý, kế hoạch sử dụng hiệu quả nhất? Một quyết định không đúng, vội vàng, nhất là với đất rất khó sửa chữa, khắc phục trong tương lai. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, từ quá trình sản xuất nông nghiệp lâu đời. Bên cạnh yêu cầu đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải xây dựng cho được một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, bền vững.

Quốc hội đã từng phải trăn trở bàn để làm sao giữ được diện tích đất trồng lúa để đảm bảo lương thực quốc gia, đảm bảo xuất khẩu để có được lợi ích kinh tế tối ưu nhất. Và rồi, với 3.812,43 ngàn ha đất trồng lúa theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020 liệu có còn giữ được, khi với sự phát triển của công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu, sự tác động của cả thiên nhiên lẫn con người.

Chuyện từ xa xưa, việc cải tạo đất để thâm canh, thu được năng suất cao vẫn luôn luôn là yếu tố truyền thống. Cày sâu, cuốc bẫm, áp dụng cân đối khoa học - kỹ thuật, phân bón hay kinh nghiệm truyền thống để đảm bảo cho việc sản xuất, phát triển bền vững. Có được những cánh đồng trồng lúa lớn là kết quả của bao đời. Để có được những sản phẩm tốt, năng suất cao càng yêu cầu kỹ thuật khắt khe, yếu tố tự nhiên mưa thuận, gió hòa.

Thời gian qua, những yếu tố tự nhiên biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến nền nông nghiệp nước ta. Xâm nhập mặn, hạn hán đã làm hàng trăm ha đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... bị ảnh hưởng nặng. Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa nước ở một số nơi sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm đã là yêu cầu cần thiết. Và trong quy hoạch tổng thể, với đặc thù của cây trồng, cũng cần có kế hoạch đầu tư, phát triển lâu dài.

Ví như với hơn 400 ngàn ha đất lúa dự kiến chuyển sang trồng các loại cây như ngô, đậu tương, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa, cây cảnh kết hợp nuôi trồng thủy sản khi đã thực hiện đều phải được ổn định trong quá trình nhiều năm, thậm chí có thể là mãi mãi. Việc nghiên cứu để đầu tư phải được xem xét chọn lọc cẩn thận, bởi không thể dễ dàng trở lại trồng lúa (như Nghị định 35 năm 2015).

Việc hiện đại hóa nông nghiệp thì càng cần phải có những vùng, những khu, cánh đồng lớn màu mỡ... Vấn đề yêu cầu ruộng đồng phải ổn định, có kế hoạch cải tạo, thâm canh, sản xuất lâu dài. Không thể mãi tình trạng đất đai manh mún, xé lẻ, mạnh ai nấy làm. Từ ảnh hưởng của khí hậu, xâm ngập mặn, hạn hán, yêu cầu phải chuyển đổi đã đành.

Sẽ thật nguy hại khi nhiều bờ xôi, ruộng mật tiếp tục bị cắt xén để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng không hiệu quả, bỏ hoang... Như thực tế thời gian qua cho thấy, chưa nói đến việc nhiều diện tích lúa thu hồi cho các khu công nghiệp chậm tiến độ, bỏ hoang, mà ngay khi một nhà máy, khu chế xuất mọc lên ở đâu, nhất là trong một cánh đồng, thì không chỉ mất đi phần diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi, mà rồi từ việc hoạt động của nhà máy, khu chế xuất làm ô nhiễm, ảnh hưởng tới rất nhiều diện tích trồng cấy, từ sinh trưởng của cây trồng cho đến sản phẩm thu hoạch.

Việc chuyển đổi cây trồng khi trở lại trồng lúa đã khó, còn với các khu công nghiệp, sân gôn, đô thị được mọc lên từ đất lúa sẽ không bao giờ trả lại được hiện trạng cánh đồng màu mỡ trước kia.

Và rồi với việc biến đổi khí hậu, khoảng 3.220 ngàn ha đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên còn lại liệu sẽ còn giữ được? Trong số hàng trăm ngàn ha chuyển đổi liệu có được thực hiện nghiêm, hay lại sẽ biến tướng chuyển hóa thành đất ở, kinh doanh thay vì sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp như yêu cầu.

Nhìn xa hơn với yêu cầu lương thực, khi có thể với việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng, một số lớn diện tích đồng bằng sẽ không còn. Việc kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ, giữ gìn diện tích để sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, lương thực vẫn phải luôn đặt ra.

Cũng như việc quy hoạch, sử dụng đất trồng lúa, người dân cũng quan tâm đến quy hoạch đất rừng, kế hoạch sử dụng đất rừng, đất khu công nghiệp, khu kinh tế, đất phát triển hạ tầng, đất quốc phòng, an ninh...Việc chia, điều chỉnh “miếng bánh” đất đai như thế nào để hài hòa, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững, lâu dài.

Chỉ nói đến đất rừng. Lâu nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra ở nhiều nơi. Không ít đất rừng đã biến thành đất rẫy, thành khu nghỉ dưỡng. Hiệu quả kinh tế trước mắt có thể có cho cá nhân, tổ chức nào đó, nhưng còn đó là sự phá vỡ quy hoạch, kế hoạch, gây ra những hệ lụy cho tương lai, cộng đồng.

Mọi điều chỉnh, bổ sung nào cũng chỉ vì mục đích phát triển của đất nước, của cộng đồng người dân. Quy hoạch, kế hoạch đặt ra, nhưng còn đó là việc giữ nghiêm kỷ cương, giữ nghiêm việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Nếu việc thực hiện không nghiêm, thì nhân tai cùng với tác động của thiên tai sẽ lại sớm phá vỡ quy hoạch, với những hậu quả, hệ lụy mà đời sau khó hoặc không thể khắc phục, chỉ có thể trách đời trước mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO