Tâm ý và hệ lụy

Nam Việt 04/05/2017 08:00

Cùng với dự án lấy đất rừng giao doanh nghiệp nuôi bò, thì dự án lấy đất ven biển để làm sân golf, phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên làm xôn xao dư luận những ngày qua. Việc đúng-sai đã có cơ quan chức năng làm rõ và lãnh đạo tỉnh này cũng đã lên tiếng. Vấn đề ở đây là làm thế nào để vẫn phát triển nhưng không đưa tới hệ lụy lâu dài. Đây là bài toán khó, nhưng không thể không làm.

Ghềnh đá đĩa (Phú Yên).

Trả lời báo chí, ông Huỳnh Tấn Việt- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên thừa nhận sự nóng vội trong khi triển khai các dự án, cho biết bây giờ phải làm đúng trình tự, đúng quy trình; yêu cầu UBND tỉnh rà soát lại tất cả những việc nào dù động cơ, thái độ là tốt đi chăng nữa để tạo sự đồng thuận.

Phú Yên- tỉnh duyên hải miền Trung, vùng đất giàu tiềm năng. Ai đã từng đến đây đều có thể xác nhận điều đó. Ngay cả những vùng đất núi như Sông Hinh, Sơn Hòa..., thì cũng có nhiều tiềm năng chưa được khai thác; trong khi đời sống kinh tế-xã hội ở những vùng này còn gặp khó khăn, người dân thu nhập thấp, việc học hành, khám chữa bệnh thiếu điều kiện. Ước vọng bứt phá để phát triển là một thực tế. Nhưng chọn mũi đột phá nào, đột phá vào điểm nào, dựa vào thế mạnh nào để có mang lại sự thay đổi nhanh chóng và bền vững lại là vấn đề rất khác, rất cần đào sâu suy nghĩ.

Phú Yên cũng có lợi thế lớn về biển. Một dọc dài bờ biển là tài sản thiên nhiên ban tặng cho tỉnh này. Ở đó, ngư dân đời đời bám biển, sống nhờ biển, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ven biển Phú Yên cũng có nhiều địa điểm rất đẹp để phát triển du lịch, trong đó có thể kể đến vùng biển Long Thủy-Mỹ Á, ghềnh Đá Đĩa, chân Đèo Cả. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” suốt năm 2015-2016 gây xôn xao dư luận về cảnh đẹp lộng lẫy và yên ả của bờ biển nơi đây. Cũng chính vì thế mà người ta biết đến Phú Yên nhiều hơn; Phú Yên trở thành điểm đến du lịch mới với người trong nước cũng như du khách quốc tế.

Phú Yên cũng là một tỉnh từng được coi là vựa lúa miền Trung, với vùng đất Tuy Hòa màu mỡ. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những người nông dân cần cù, sáng tạo đã đem đến cho xã hội những hạt gạo thơm ngon nức tiếng. Cũng ở Tuy Hòa, dòng sông Ba đổ ra biển đem đến cho người dân nguồn lợi thủy sản vô tận.

Ngay trong thành phố Tuy Hòa là Tháp Nhạn- một danh thắng tồn tại đã mấy trăm năm gắn với biết bao kỉ niệm vui buồn. Cầu Đà Rằng nối thành phố với sân bay Phú Lâm một thời lừng lẫy. Còn ở đầu kia thành phố là núi Chóp Chài với sân bay cùng tên cũng đã một thời lưu dấu.

Mấy năm qua, ngư dân Phú Yên tổ chức đánh bắt xa bờ. Đoàn tàu công suất lớn vươn khơi với nghề câu cá ngừ đại dương đã làm nên thương hiệu hải sản quý cho đất này.

Nói vậy để thấy đây là vùng đất rất đẹp, giàu tiềm năng và tiềm năng đó cần được khai thác một cách hiệu quả. Không thể để tiềm năng mãi mãi chỉ là tiềm năng, như người ta thường ví như một nàng công chúa ngủ trong rừng không được đánh thức. Nàng công chúa đó phải bừng tỉnh để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cư dân nơi đây. Với những lợi thế của mình, Phú Yên phải trở thành một tỉnh giàu có, chỉ có như vậy mới không để lãng phí những gì thiên nhiên ban tặng.

Tuy nhiên, việc đột phá phát triển không phải bằng cách duy ý chí, vội vã, bất chấp hệ lụy lâu dài chỉ vì lợi ích trước mắt. Nguyên tắc ấy không chỉ đối với riêng Phú Yên mà với tất cả. Trong quá trình phát triển, biết bao thao thức tìm kiếm. Biết bao dằn vặt giữa “giữ nguyên trạng” hay là “mở đột phá khẩu”. Không làm gì, “án binh bất động” được không ít người cho là nhàn nhất, yên “nhất”.

Điều đó có thể thấy ở nhiều nơi, nhất là ở những kíp lãnh đạo an phận. Giải bài toán phát triển vì vậy không bao giờ là dễ dàng. Điều đó buộc người lãnh đạo phải có tâm, có tầm, có con mắt chiến lược và đặc biệt là phải dám nghĩ, dám làm. Câu chuyện đổi mới tư duy tưởng chừng đã cũ, vì được nói quá nhiều. Nhưng trên thực tế nó vẫn luôn tồn tại cùng cuộc sống.

Nói về chuyện bứt phá, tư duy “xé rào”, người ta vẫn chưa quên câu chuyện khoán nông nghiệp ở Vĩnh Phúc vài chục năm trước, gắn với tên tuổi Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Và người ta cũng chưa quên những quyết sách táo bạo, mạnh mẽ của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh những năm 80-90 của thế kỉ trước, khi mà tư duy bao cấp rất nặng nề, nạn ngăn sông cấm chợ đang được coi là bình thường. Cũng chính từ sự quyết đoán có thể nói là quả cảm ấy mà tình hình đổi khác, đi lên, để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho những thế hệ kế tiếp.

Nhưng vì nhiều lý do, không phải những đổi mới, bứt phá nào cũng “vô tư”, cũng vì lợi ích lâu dài của cộng đồng. Vì thế mới sinh chuyện. Trở lại với Phú Yên, không thể phủ nhận mong muốn (hay có thể nói là ước mơ) của lãnh đạo tỉnh này là tăng tốc phát triển dựa trên những gì địa phương có.

Nhưng sự nôn nóng đã khiến tâm ý trở thành hệ lụy. Không thể chặt cây, phá rừng để giao đất cho doanh nghiệp nuôi bò. Đàn bò có thể phát triển nhanh ở một nơi nào đó, nhưng một cánh rừng thì cần cả vài chục năm, vài trăm năm mới có được. Khi rừng mất, khí hậu biến đổi, môi trường xấu đi, hệ lụy ấy cần phải được nhận diện trước khi quyết định. Hay như chuyện phát triển du lịch ven biển Tuy Hòa-Tuy An trong một dự án sân golf là rất cần có tầm nhìn xa trông rộng.

Rừng ven biển có thể không đẻ ra tiền, nhưng nó lại đem đến sự ổn định, bền vững cho phát triển. Những cánh rừng dương ở đây không tự nhiên mà có được. Còn nhớ, sau giải phóng năm 1975, rất nhiều thế hệ thanh niên, học sinh của tỉnh này dưới trời nắng chang chang đã cặm cụi trồng từng cây dương nhỏ trên cồn cát bỏng rát...

Để phát triển, không thể bó tay thúc thủ nhưng cũng không thể... làm liều, mà rất cần có quy hoạch đúng với tầm nhìn dài hạn; và nhất là cần có sự đồng thuận từ cộng đồng. Vì suy tới cùng, sự phát triển cũng là để phục vụ nhân dân. Đó cũng chính là bài học lớn của quá trình trăn trở tìm điểm đột phá cho phát triển vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm ý và hệ lụy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO