Tăng cường phạt nguội

Kiên Long 19/08/2016 09:15

Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc vừa đồng loạt ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ra quân, đồng thời với việc xử phạt nặng theo quy định mới tại Nghị định 46/CP đã khiến không ít người vi phạm pháp luật giao thông ngỡ ngàng, nhưng lại được đa số dư luận xã hội đồng tình.

Người dân cho rằng, cùng với việc tăng cường “phạt nóng”, việc “phạt nguội” cũng cần được chú trọng, đầu tư, vì đây là một biện pháp hữu hiệu để duy trì trật tự an toàn giao thông hiệu quả, bền vững.

Tăng cường phạt nguội

Không ít người vẫn vô tư vi phạm quy định không được uống rượu bia khi lái xe ô tô.

Theo Cục CSGT, để đợt cao điểm này thực sự có hiệu quả, lực lượng CSGT sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải; đi không đúng phần đường, làn đường; không có giấy phép lái xe, hoặc giấy phép lái xe không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng quy cách...

Tại 4 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, lực lượng CSGT phối hợp với công an tập trung kiểm soát việc uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông tại khu vực gần các nhà hàng quán rượu bia vào các giờ cao điểm từ 11h – 14h, từ 16h – 21h, xử lý mạnh các đối tượng vi phạm theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP...

Ngày 16-8, ngày đầu ra quân, đã không ít trường hợp uống rượu bia lái xe bị xử lý theo quy định tại Nghị định 46. Chuyện ngay ngày đầu ra quân, CSGT Hà Nội đã phạt một lái xe ở Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ ô tô 7 ngày, tước bằng lái xe 5 tháng. Và theo anh này thì anh chỉ uống có...hai cốc bia.

Sự kiên quyết của các lực lượng chức năng, với sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhất là yêu cầu kiên quyết xử lý các hành vi cản trở, chống lại người thi hành công vụ khiến người tham gia giao thông, nhất là các tài xế lái xe ô tô chợt tỉnh, coi đây không phải chuyện đùa. Và sự chỉ đạo kiên quyết như kế hoạch của cơ quan chức năng được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Bởi những quy định như quy định không được uống rượu bia khi lái xe ô tô lâu nay ai cũng biết, nhưng không ít người vẫn vô tư vi phạm. Trong các nhà hàng, quán bia, vẫn san sát các ô tô, xe máy đỗ... Và rồi đã từng xảy ra không ít xe điên, mất lái cùng nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Nguyên nhân là pháp luật bị coi thường, khinh nhờn lâu nay cũng một phần do sự duy trì pháp luật không nghiêm.

Không ít thời gian việc thổi phạt nồng độ cồn rộ lên rồi lại lắng xuống. Nhiều người uống bia không bị phạt thì càng coi thường pháp luật, coi chuyện uống rượu bia cũng là chuyện thường, đặc biệt khi phải giao dịch, tiếp khách, vui bạn bè...Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của rất nhiều người hãy còn khá xa. Đa số người vi phạm pháp luật giao thông với những hành vi cố ý.

Không ít trường hợp khi bị phát hiện vi phạm, còn chống đối. Không chỉ người đi bộ, đi xe đạp, mà người đi xe máy thậm chí cả ô tô, cứ không thấy có bóng CSGT là lại tự “cho phép” mình phạm luật, vượt đèn đỏ, đèn vàng, chưa kể sử dụng rượu bia. Bởi vậy, vấn đề bằng chứng giúp cho việc xử phạt, buộc người vi phạm chấp hành là rất quan trọng. Nếu người tham gia giao thông biết rằng mọi hành vi vi phạm của họ sẽ đều bị xử lý, bị phạt, nhất là phạt nặng thì sẽ không dám vi phạm.

Việc phạt nguội trong giao thông đã được áp dụng từ lâu trên thế giới. Năm 2011, Công an TP Hà Nội bắt đầu áp dụng thí điểm việc phạt nguội với ô tô đỗ sai phép, không có mặt người điều khiển, tuy nhiên sau đó vì nhiều lý do mà không thực hiện được.

Năm 2014, Công an Hà Nội đã lại tiếp tục thí điểm và đã tiến hành lắp đặt 450 camera, năm 2015 tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống camera và bắt đầu việc xử phạt. Đã có hàng ngàn lượt vi phạm bị xử lý. Cũng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã tích cực triển khai, xử phạt.

Năm 2015 đã có hàng chục ngàn trường hợp vi phạm bị phạt. Theo thống kế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2015, đã có gần 6.000 phương tiện vi phạm giao thông bị xử phạt qua các thiết bị giám sát hành trình. Việc giám sát, xử phạt nguội đã và đang được triển khai tích cực trên các đường cao tốc. Như từ 1/5/2016, đã tiến hành đưa vào sử dụng hệ thống giám sát, thí điểm, phạt nguội trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai; từ 1/7 tiến hành với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình…

Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đặc biệt lưu ý phải đặt tính mạng người dân lên trên hết, quy định chặt chẽ về xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu đưa hình thức phạt nguội thật mạnh đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Mới đây, Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã có công điện chỉ đạo tăng cường các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, yêu cầu sử dụng thiết bị giám sát hành trình, trong đó có việc tổng hợp xử lý vi phạm, thu hồi, rút giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp vận tải…

Với việc thực hiện mạnh xử lý nóng vi phạm giao thông, tăng cường phạt nguội không chỉ trong đợt cao điểm hiện nay, chắc chắn vi phạm pháp luật giao thông sẽ giảm, đồng thời với việc kéo giảm tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường phạt nguội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO