Tết cho người nghèo

Lê Ái 30/01/2018 08:00

Càng gần Tết càng có thêm nhiều đoàn công tác của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đi đến những vùng khó khăn trên cả nước với mong muốn mang đến một cái tết ấm áp hơn đến với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng và nhất là người nghèo.

Cuối tuần qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” nhằm phát động phong trào chăm lo cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo nơi biên giới vui Xuân, đón Tết.

Về dự với chương trình này, trong hành trang của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn có sự quan tâm sâu sắc dành cho người nghèo, nhất là việc để người nghèo nào cũng có Tết.

Tết là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi người sum vầy với gia đình người thân, quanh những bữa cơm đầm ấm...Nhưng đối với nhiều người nghèo khó, những người không có nhà để ở, những người phải lo từng bữa ăn thì dường như Tết vẫn là chuyện xa vời.

Hồ Chủ tịch đã từng nói tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/1/1946: Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chính vì lẽ đó, 73 năm qua, xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội. Đảng, Nhà nước ta đã đề ra phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản dù Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo. Nhưng xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, chỉ cần một cơn bão sẽ cuốn đi bao thành quả của công cuộc giảm nghèo, những người khó khăn càng khó khăn hơn, những hộ thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Vợ chồng chị Trương Thị Lĩnh ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là những người như vậy. Họ là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ miền Trung. Trước khi bão đánh sập nhà thì gia cảnh của vợ chồng chị Lĩnh cũng đã rất bi đát. Chồng chị Lĩnh vốn là công nhân nhưng đang thất nghiệp, 3 đứa trẻ ở độ tuổi đến trường vì hoàn cảnh gia đình đứng trước nguy cơ thất học.

Chị Lĩnh quay cuồng trong cơn bão cuộc đời, dù mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng người đàn bà đầy bản lĩnh như cái tên của mình vẫn gồng lên chống chọi với số phận. Ước mơ lớn nhất của chị Lĩnh là có sức khỏe để lo cho gia đình, con cái.

Trong câu chuyện về đời mình, mỗi lời chị nói, dù đầy mất mát thì đôi mắt vẫn ánh lên sự chịu đựng, kiên gan. Chỉ đến khi vợ chồng chị bất ngờ nhận được những yêu thương sẻ chia ngay tại chương trình Cầu truyền hình “Chung tay vì người nghèo” do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin -Truyền thông, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức…. lúc đó, chị mới lặng lẽ khóc.

Những món quà bất ngờ đến với chị Lĩnh để dựng lại căn nhà mới cũng như hỗ trợ 3 con chị Lĩnh tiếp tục được đến trường với mong mỏi “kiến thức chính là nền tảng để gia đình chị thoát nghèo”.

Những tràng pháo tay ở cả hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vang lên không ngớt cũng là lúc nước mắt chị Lĩnh rơi nhoà gương mặt. Trong đôi mắt tưởng chừng như đã tuyệt vọng ấy lại thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Gia đình chị Lĩnh chỉ là 1 trong hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo của cả nước. Đây là những hộ nghèo sống tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người, Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Nhưng cũng từ trong gian nan ấy những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay vì người nghèo.

“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

“Vì người nghèo” không chỉ đơn thuần là một cuộc vận động kêu gọi nhân dân ủng hộ người nghèo mà Mặt trận đã thực hiện trong suốt 17 năm qua mà đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững.

Do vậy, trong rất nhiều chuyến công tác cứu trợ về những vùng khó khăn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn- Trưởng ban Cứu trợ Trung ương luôn cho rằng, cứu trợ không chỉ là chuyện phải đảm bảo “3 đúng, 2 không”: Đúng lúc, đúng nhu cầu, đúng đối tượng - Không được để hộ dân nào bị đói, không được để trẻ em bị thất học. Và dứt khoát không để xảy ra sai sót.

Cứu trợ còn là chuyện phải nhìn về lâu dài mà ở đó là tâm thế chủ động, ý thức tự giác, kỹ năng chủ động phòng tránh và thích nghi với thiên tai của mỗi người.

Chăm lo cho người nghèo cũng vậy, là trách nhiệm khi nghĩ về đồng bào của mình đang phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, thôi thúc mỗi người có thêm quyết tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Đó không chỉ là câu chuyện “cần câu hay con cá” mà phải đi vào thực chất hơn bằng những hỗ trợ sinh kế thiết thân, cầm tay chỉ việc chuyển giao kỹ năng, công nghệ sản xuất để người nghèo có thể thoát nghèo một cách bền vững.

Trong những ngày giáp Tết, điều mà người đứng đầu Mặt trận trăn trở là việc làm thế nào để giúp đỡ người nghèo một cách thiết thực nhất, làm sao để ai cũng có một cái Tết ấm áp, yên vui khi Xuân về. Trăn trở này đã được hiện thực hóa bằng quyết tâm chính trị khi cả hệ thống Mặt trận đang quyết tâm xây dựng hơn 1.000 căn nhà cho người dân ở những vùng vừa trải qua thiên tai.

Và cũng bởi, việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết cho người nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO