Thói quen

Lê Anh Đức 07/03/2017 11:15

Lâu nay, ở những đô thị lớn của nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, người dân cũng như du khách đã quen với việc đi bộ chen lấn cùng với các phương tiện ô tô, xe máy... Hầu như ai cũng biết đi bộ xuống lòng đường là vi phạm luật, song ngặt nỗi có vỉa hè đâu mà đi đúng luật. Giờ, đầu tiên là TP HCM ra quân mạnh mẽ dẹp vỉa hè lòng đường, sau đó đến Hà Nội. Hy vọng mọi người sẽ tạo được một thói quen tốt.

Vỉa hè trở thành nơi trông giữ xe máy.

Nói ra nghe có vẻ hoang đường, song đúng là hầu hết các vỉa hè trên các tuyến phố Hà Nội đều đã được tận dụng một cách triệt để không còn chỗ cho người đi bộ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Nghĩa vụ của người đi bộ là gì? Đơn giản thôi, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì người đi bộ phải đi trên vỉa hè - nơi dành riêng cho anh, vừa để tránh ách tắc giao thông, vừa để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người đi bộ.

Song, đau ở cái chữ song. Song, hầu hết các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô lâu nay bị người ta chiếm dụng, hoặc là làm nơi đỗ xe máy, ô tô, hoặc là bán hàng, rửa xe... thậm chí có nơi dù dự án chưa làm nhưng người ta vẫn rào bịt kín vỉa hè theo kiểu phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy thì lấy đâu ra lối để người đi bộ chấp hành pháp luật đây? Nếu có ai đó đi bộ trên những tuyến phố buôn bán sầm uất quanh hồ Hoàn Kiếm mà để chấp hành luật phải len lỏi vào giữa đống hàng hóa được bày trên vỉa hè thì hãy cẩn thận kẻo “ăn chửi”, hay mang vạ vào thân.

Ở bài viết này, tạm gác cái tiêu cực, sự bảo kê của một số cá nhân trong các cơ quan công quyền cho hành vi vi phạm luật của người dân. Chỉ đơn giản là sự thờ ơ vô trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự đô thị đã tạo một thói quen xấu cho người dân. Mà khi đã tạo thành thói quen dù tốt, dù xấu thì rất khó mà thay đổi, hoặc nếu có thay đổi được thì cũng phải mất thời gian công sức, thậm chí là tiền bạc.

Đó là mới chỉ nói đến thói quen bình thường thôi đấy nhé! Chứ đằng này thói quen của người dân Hà thành lại ra tiền, hốt bạc. Người ta chẳng từng có câu “tỷ phú nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” đó sao? Chỉ cần một góc phố nhỏ bày cái ấm nước chè, vài bao thuốc lá ngày đã kiếm dăm trăm bạc, chưa kể “làm ăn nhớn” ở những “phố vàng” như Lương Văn Can, Hàng Cá, Hàng Khoai... thì có nhẽ phải thu đến cả tỷ một tháng ấy chứ có chơi đâu.

Nói như một số vị lãnh đạo quận, phường vẫn nói mỗi khi bị cấp trên trách cứ việc không dẹp được vỉa hè: Đó là cái “cần câu cơm” của người dân nên cũng không nỡ dẹp, mà cũng khó dẹp vì họ sẽ phản ứng. Ở đây, chính các vị này cũng đã tạo cho mình một thói quen là việc người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là mặc định, chẳng có gì là lạ, là trái lẽ cả. Chính vì thói quen biến cái bất bình thường trở thành cái bình thường của không ít lãnh đạo quận, phường là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn nạn lấn chiếm vỉa hè không thể dẹp bỏ trong thời gian qua.

Nhớ hồi còn đi học phổ thông, nghe các thày dạy môn sinh học thì người viết bài nhớ dai nhất là bài học phản xạ có điều kiện. Một khi phản xạ có điều kiện được hình thành, hay nói cách khác là trở thành thói quen thì rất khó bỏ. Song, khó không có nghĩa là không thể bỏ được. Chiếu theo góc độ lý thuyết sinh học mà xét thì việc khử thói quen chính là quy trình ngược của tập luyện phản xạ. Cụ thể, nếu cứ có vi phạm trong quản lý trật tự đô thị thì lập tức những chức danh hữu quan bị cách chức, giáng chức, hạ lương… Như vậy, tin rằng thói quen cũng sẽ được điều chỉnh.

Còn với người dân, thay vì kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày thì cứ vi phạm là bị tịch thu đồ nghề bán nước chè, thay vì kiếm được bạc tỷ từ việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè cứ thì vi phạm là bị thu hàng mà thiệt hại mỗi lần lên đến vài tỷ đồng, thì tin rằng chẳng có người nào lại dám vì “thói quen” mà đùa dai với chính quyền làm gì. Buôn bán mà không những chẳng có lãi, thậm chí còn lẹm cả vào vốn thì chẳng có ai dám mạo hiểm kinh doanh như vậy, đó là quy luật tất yếu, là lý thuyết kinh doanh sơ đẳng nhất mà ai cũng biết dù mù tịt về kinh tế học.

Nhưng khổ nỗi đâu phải dễ mà người dân có thể tự do buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Họ cũng đã phải “chạy” chỗ này chỗ kia chán chê rồi mới yên ổn mà làm ăn đấy chứ. Vậy thì làm sao thu hàng của họ đây? Cỡ trên thành phố và Trung ương xuống kiểm tra thì đã có cấp dưới thông báo cho họ dẹp gọn vào rồi, còn cỡ cấp quận, phường thì đương nhiên là khó thu rồi, vì nếu không cẩn thận họ lại tố giác là đã phải “đi đêm” thì thật không biết trả lời thế nào.

Vậy mới nói, muốn người dân từ bỏ thói quen xấu thì những cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự đô thị cần phải từ bỏ được thói quen chưa đẹp, chưa văn minh của mình trước đã. Ở đây không chỉ đơn giản là vấn đề làm gương, mà còn là để tay không nhúng chàm mới có thể sạch sẽ mà quét rác. Không dưới một lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Tay đã nhúng chàm thì còn làm được việc gì, còn nói được ai nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO