Thúc đẩy giám sát, giải trình

Mai Loan 20/11/2017 09:05

Trong 3 ngày liên tục kể từ 16 đến hết 18/11, Quốc hội đã “nóng” hơn nhờ những phiên chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ; Chánh án TAND tối cao; và vào buổi chiều ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH.

Ảnh minh họa.

Quả thực, các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng. Và, mặc dù Quốc hội đã dành 3 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn, nhưng vẫn còn một số đại biểu đã đặt câu hỏi nhưng chưa đủ thời gian để trả lời tại hội trường và một số đại biểu khác phải gửi câu hỏi trực tiếp để trả lời sau bằng văn bản.

Nhìn từ góc độ người quan sát có thể thấy, ĐBQH đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên trả lời chất vấn để làm rõ thêm nội dung của vấn đề nêu ra.

Còn ở phía những người được chất vấn thì sao? Xin trích nhận xét của Chủ tịch Quốc hội: “Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Tòa án đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu đã nêu và thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm, phạm vi của mình phụ trách. Cam kết tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn có những vấn đề, những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải có thời gian nghiên cứu để có giải pháp mang tính căn cơ dài hạn”.

Nói là căn cơ dài hạn là bởi, báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 3 có rất nhiều kiến nghị được gửi tới Thủ tướng và các bộ, ngành, trong đó nhiều bộ, ngành đã triển khai trả lời, nhưng có những kiến nghị sửa đổi chính sách pháp luật cần phải có thời gian tổng kết, nghiên cứu đề xuất và sẽ phải tiến hành sửa luật.

Thực ra, những nhóm vấn đề được đề cập trong phiên chất vấn này có nhiều nhóm vấn đề không phải là mới. Trái lại vẫn có nhiều nhóm vấn đề được chất vấn đi chất vấn lại; chẳng hạn như chuyện chống tham nhũng; chuyện nâng cao đạo đức công vụ; chuyện cải cách thủ tục hành chính.

Thậm chí, có những vấn đề tưởng chừng như nhạy cảm như chuyện “quan tham bỏ trốn”; chuyện “chạy vào Quốc hội” và cả chuyện “phá rừng”… nhưng bằng cách đặt vấn đề trực diện của các ĐBQH và sự không né tránh của các thành viên Chính phủ nên những vấn đề đó đã góp phần làm “nóng” phiên chất vấn.

Đương nhiên, có nhiều vấn đề đưa ra tại phiên chất vấn cũng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai; mà ngược lại có lẽ sẽ phải sửa luật như Chủ tịch Quốc hội đã nói; cũng có thể có những vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị mới mong giải quyết được rốt ráo.

Thậm chí, có những vấn đề phải kiên trì làm, kiên quyết làm như vấn đề chống tham nhũng- bởi cuộc chiến ấy là rất cam go.

Nhưng có chất vấn tức là có sự theo dõi giám sát. Sự giám sát ấy có thể là từ sự thúc đẩy của nhân dân và cử tri; thông qua ĐBQH; hoặc cũng có thể là từ chính đòi hỏi của ĐBQH.

Nhưng dù là ai thì nó cũng cho thấy rõ ràng, tinh thần giám sát là có và khá quyết liệt vì vẫn đang truy đến tận cùng; như câu chuyện chống tham nhũng. Và, chính tinh thần ấy đã nâng cao chất lượng những phiên chất vấn tại mỗi kỳ họp.

Đứng từ góc độ của Chủ tịch Quốc hội để nhận xét, đánh giá thì “Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc trả lời chất vấn, trong chỉ đạo điều hành khắc phục những hạn chế yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn nhiều tồn tại, hạn chế, một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng như mong đợi của cử tri và nhân dân.

Do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn để khắc phục những hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến thiết thực trong thời gian tới”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy giám sát, giải trình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO