Tiềm năng trái cây Việt

Hà Linh 28/12/2017 10:00

Khi bài viết đến tay bạn đọc, trên một số kệ hàng trong các siêu thị hoặc Trung tâm thương mại từ nước Mỹ xa xôi, đã lần đầu tiên xuất hiện trái vú sữa có nguồn gốc và mang thương hiệu “made in Viet Nam”. Nhưng, ít ai biết được, để có sự hiện diện đó, chúng ta đã ròng rã cả chục năm trời nhằm “thuyết minh” thuyết phục cho chỗ đứng, uy tín và thương hiệu của trái cây Việt Nam nói chung và quả vú sữa nói riêng, với nhiều những thị trường khó tính không chỉ riêng Hoa Kỳ!

Tiềm năng trái cây Việt

Vú sữa lò rèn nức tiếng thơm ngon.

Khi UBND tỉnh Tiền Giang công khai công bố tại buổi lễ về lô vú sữa lò rèn đầu tiên, đã chính thức được xuất khẩu sang Hoa Kỳ cách đây ít ngày, không chỉ riêng người dân tỉnh Tiền Giang, các tỉnh miền Tây Nam Bộ - “vựa trái cây” lớn và uy tín nhất đất nước- mà nhiều người nông dân chuyên trồng và sản xuất trái cây ở mọi miền đất nước đều rất hồ hởi phấn khởi.

Đó là sự vui mừng chính đáng, thể hiện thái độ và cả quyết tâm hội nhập sâu rộng, có chất lượng, có tầm nhìn của người nông dân Việt Nam cũng như sự đầu tư bài bản, đúng định hướng và cả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các ngành chức trách và hữu quan.

Ông Cao Văn Hóa- quyền Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sau một quá trình đàm phán và thuyết phục gần 10 năm, phía Hoa Kỳ đã chấp nhận nhập khẩu vú sữa lò rèn - 1 trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang để mang vào bày bán tươi nguyên tại Hoa Kỳ. Nhưng để lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường nghiêm ngặt và khó tính này, trong nhiều năm tháng qua, lãnh đạo tỉnh, ngành NNPTNT cùng các cơ quan hữu trách và người dân, đã phải chạy đua với thời gian để sớm hoàn tất các chỉ số, chỉ tiêu, tiêu chuẩn, yêu cầu …. từ phía đất nước nhập khẩu”.

Đương nhiên, nông sản nói chung và trái cây nói riêng, muốn hiện diện và khẳng định thương hiệu, giá trị … tại những thị trường khó tính và cực kỳ nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, như Mỹ, EU, Nhật, Úc, Hàn Quốc …thì tự bản thân các nơi có sản phẩm đó trước hết phải nghiêm túc và nghiêm khắc với chính mình. Lối dẫn dụ này có thể tương đối khó hiểu, nhưng cũng cần sòng phẳng mà nhận định và bắt buộc phải thực hiện như thế!

Cũng cách đây ít ngày, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài. Hội nghị đã nhận định: Năm 2017, xuất khẩu trái cây của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia... đều có mức tăng trưởng cao và nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải thiều, cam, quýt... đã xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn ở Mỹ, Nhật Bản.

Hiện nay, trái cây của Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường thế giới (khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ), đó là nhờ người trồng trái cây trong nước đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Nhiều vùng sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị liên kết, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được triển khai đúng hướng.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngành xuất khẩu trái cây và rau củ quả nói riêng được các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều dư địa, thị trường thế giới vẫn còn nhu cầu rất lớn và như vậy thì đương nhiên thị phần xuất khẩu trái cây của chúng ta vẫn rất dồi dào!

Đường đi đã tỏ, ngõ lối đã tường! Vấn đề còn lại cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam đến với các thị trường đã có và thị trường sẽ mở, còn rộng thênh thang, là làm sao giữ vững và phát huy “phong độ”, tận dụng mọi ưu thế tiềm năng, để tăng trưởng sản xuất, đảm bảo an toàn và tất nhiên đáp ứng mọi đòi hỏi khắt khe về sản phẩm xuất khẩu, chúng ta đương nhiên sẽ thành công hơn. Bởi vì chắc chắn, càng ngày những đòi hỏi về nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu với mọi thị trường, cũng sẽ khắt khe, nghiêm ngặt hơn.

Không những vậy, các thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam cũng đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật thay cho hàng rào thuế quan trước đây, làm cho người sản xuất phải chuyển đổi kỹ thuật sản xuất và chăm sóc, chế biến mới đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tự chuyển mình theo những yêu cầu của thị trường, cả trong nước và quốc tế, theo hướng tích cực và an toàn hơn, là đòi hỏi không chỉ dành riêng cho trái cây Việt Nam xuất khẩu. Đó cũng là mệnh lệnh trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay!

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính xuất khẩu trái cây Việt Nam cả năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016. Các cơ quan chức năng đánh giá, xuất khẩu trái cây đến thời điểm này đã vượt qua cả lúa gạo, làm tăng giá trị sản xuất cho người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Sơn- Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT, cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD (tăng hơn 80% so với năm 2016), trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD (tức là hơn 80%). Dự kiến năm 2030, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập hơn 1,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm năng trái cây Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO