Tiết kiệm chi phí

Nguyên Khánh 12/03/2020 07:30

Sau 3 tháng khai trương đã có 77.226 tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia và có hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng. Điều này có nghĩa, người dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến loại hình dịch vụ này.

Vì sao người dân lại thích giao dịch trực tuyến hơn là trực tiếp? Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi, giao dịch trực tuyến vừa tiết kiệm chi phí, không mất thời gian đến cơ quan công quyền với một mớ giấy tờ, không phải xếp hàng dài và chờ đợi rất lâu nếu đúng ngày nhiều người cùng đến giao dịch. Tuy nhiên, điều làm người dân “ngán” nhất chính là phải gặp trực tiếp với cán bộ “quyết định số phận” của thủ tục hành chính mình cần làm.

Nhờ những hiệu quả thiết thực của nó, vào ngày 13/3 tới đây Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tích hợp thêm nhiều dịch vụ đang được người dân đón đợi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, chiều 13/3 sẽ công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ này, gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Theo tính toán, khi áp dụng hình thức nộp phạt này thì sẽ tiết kiệm ít nhất khoảng hơn 1.300 tỷ đồng/ năm cho xã hội. Đây là số tiền không nhỏ, tuy nhiên lợi ích của nó không chỉ nằm ở con số tiết kiệm hơn 1 nghìn tỉ mỗi năm.

Cụ thể hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tiếp ở tất cả các công đoạn. Nếu bị xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt thì phải trải qua 5 bước, người bị xử phạt phải đi lại, liên hệ trực tiếp với các cơ quan liên quan ít nhất 3 lần, với khoảng thời gian từ 10-72 ngày kể từ sau khi nhận biên bản vi phạm mới có thể hoàn tất trách nhiệm và nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản bị tạm giữ. Và điều người dân “sợ” nhất chính là việc tiếp xúc trực tiếp nhiều lần sẽ rất dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Nộp phạt trực tuyến chắc chắn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và giảm nhũng nhiễu. Tuy nhiên, điều cần làm lúc này là sẽ phạt thế nào nếu người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia?

Giải đáp những thắc mắc này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện nộp phạt trực tuyến. Bởi, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu. “Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút là thực hiện xong”. Điều đặc biệt nữa là không chỉ người dân ở 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận mới có thể nộp phạt online, mà người bị phạt ở bất cứ nơi đâu cũng có những dịch vụ chuyển phát đến tận nhà.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để đạt đến đích của nền hành chính không giấy tờ và nền hành chính nói không với tham nhũng vặt, bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại”. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào.

Thủ tướng yêu cầu không chỉ Văn phòng Chính phủ mà các bộ, các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa sự chậm trễ, hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Có như vậy mới “chạm tay” vào nền hành chính không giấy tờ, một nền hành chính minh bạch, hiệu quả mà chúng ta đã đặt ra từ nhiều năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiết kiệm chi phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO