Trăn trở đồng lương

Kiên Long 23/07/2016 10:20

Năm nay cũng như mọi năm, mơ ước được tăng lương, tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống vẫn luôn thường trực trong mọi người lao động. Cùng với việc tăng lương theo kỳ, theo năng suất, người lao động vẫn mong được tăng “toàn phần”-tăng mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, việc tăng lương lại luôn là nỗi lo đối với các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn. Và rồi cái ước mong- nỗi lo đã luôn là “cuộc chiến” giằng co, sự trăn trở của nhiều người.

Người lao động ở khu công nghiệp xếp hàng rút tiền lương ở ATM mỗi tháng.

Cuộc họp giữa các đại diện liên quan đến việc quyết định tăng lương vừa qua tại Hải Phòng diễn ra “kín”, lại càng là mối quan tâm của rất nhiều người lao động (NLĐ) cũng như các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. Bởi đây là cuộc họp đầu tiên của năm nay. Và vào thời điểm này, kinh tế cũng chưa mấy sáng sủa, thậm chí có những dự báo khó khăn, trong khi đời sống không ít NLĐ vẫn trong cảnh co kéo cho đủ sống. Và rồi để duy trì lộ trình tăng lương, đảm bảo đời sống NLĐ, thì người ta cũng dự báo, sẽ lại vẫn là cuộc giằng co như năm ngoái, để có thể quyết được cái mốc cuối cùng.

Còn nhớ năm ngoái, Hội đồng Lương Quốc gia sau nhiều phiên họp, tranh luận, kéo co giữa đại diện NLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và đại diện người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI), đến sau 3 phiên căng thẳng cuối cùng, mới chốt mức đề xuất tăng 12,4% lương tối thiểu vùng năm 2016 (tương đương 250.000- 400.000 đồng cho 4 vùng).

Năm nay, dù mới chỉ một phiên, nhưng không khí cũng chưa bớt căng. Dù đại diện cho NLĐ mới chỉ đưa ra đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng, tức tăng khoảng 11% so với năm 2016, nhưng đại diện người sử dụng lao động đã tiếp tục “kêu”, rằng các doanh nghiệp đang rất khó khăn và đa số doanh nghiệp, nhất là các ngành như dệt may, da giày, thủy sản...đều kiến nghị không tăng lương tối thiểu.

Câu chuyện có tăng lương tối thiểu hay không vẫn đang là câu chuyện nóng. Và như ý kiến nhiều người thì phải tăng, tăng là sự đương nhiên. Còn tăng bao nhiêu là chuyện cần bàn. Tăng để đảm bảo lộ trình. Tăng để đảm bảo đời sống cho người lao động đang rất khó khăn. Và tăng để hòa nhập sâu cùng quốc tế, nhất là khi mình đã tham gia TPP.

Bởi, theo nhiều người, chuyện kêu khó của các doanh nghiệp vẫn luôn là cái chuyện đương nhiên. Dù kêu, như năm trước, nhưng rồi nhìn chung mọi chuyện vẫn ổn. Nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển tốt. Kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức cao. Cũng theo nhiều chuyên gia, chính từ sự tăng lương đã và sẽ kích thích thêm năng suất, chất lượng lao động. Chất lượng công việc, năng suất lao động kém cũng xuất phát từ đồng lương thấp.

Câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước” vẫn còn là đề tài tranh cãi, nhưng như TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho rằng: “Tiền lương chính là giá cả sức lao động dùng để mua sắm các tư liệu sinh hoạt cho họ và gia đình. Nếu được thỏa mãn, NLĐ sẵn sàng làm việc hết sức mình để đưa năng suất lao động lên cao. Hơn nữa, tiền lương là một trong những công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý lao động, người sử dụng lao động phải dùng công cụ này (lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ, thưởng) để kích thích thái độ quan tâm đến công việc. Do đó, tiền lương, thu nhập là một nhân tố mạnh mẽ để tăng năng suất lao động”.

Thực tế, mức lương của đa số NLĐ Việt Nam vẫn là mức lương vào diện thấp ở trong khu vực, dù những năm qua, tốc độ tăng lương của ta vào diện cao trong khu vực. Mặt khác, thu nhập của nhiều NLĐ vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Mục tiêu đến năm 2015, rồi lại năm 2017, lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cứ dần trôi đi.

Cuối năm 2015, qua khảo sát, như ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng 74-75% nhu cầu sống tối thiểu. Và nếu để đáp ứng mục tiêu, với 25% nhu cầu sống tối thiểu còn thiếu kia, việc năm 2017 tăng lương bằng năm 2016 cũng chưa thể lấp được chỗ trống này.

Đó chưa kể sự trượt giá. Qua khảo sát mới đây, 72% NLĐ phải dè sẻn lắm mới đủ sống, chỉ mới có 20% NLĐ có thu nhập đủ sống, 8% có tích lũy. Còn nếu như theo đại diện NLĐ kiến nghị, tới đây Hội đồng Tiền lương cần xem xét đưa yếu tố nhà ở vào xem xét như một chỉ tiêu để xác định nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, thì cái chỗ trống “đáp ứng” kia sẽ lại tiếp tục rộng ra.

Và rồi, theo tình hình chung, dù có tiếp tục “kéo co”, nhưng như Thứ trưởng Phạm Minh Huân- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016 thì nhìn chung người lao động vẫn sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng khó khăn. Mục tiêu lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu vẫn là ước mơ của nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở đồng lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO