Tránh bệnh thành tích trong tinh giản biên chế

Lục Bình 08/08/2019 08:30

Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, đã phê duyệt quyết định 107 người thực hiện chế độ tinh giản biên chế. Trong 107 người được tinh giản thì chỉ có 7 trường hợp thôi việc, còn lại là người nghỉ hưu trước tuổi. Tinh giản biên chế nếu vẫn chỉ dừng ở những trường hợp nghỉ hưu sớm làm sao đạt được mục tiêu gọn nhẹ bộ máy, cùng đó nâng cao chất lượng đội ngũ đã đặt ra.

Cần nhắc lại, 6 tháng đầu năm nay Hà Nội đã giảm được 107 biên chế. Trước đó, năm 2018, Hà Nội cũng đã tinh giản được gần 700 biên chế. Đây được xem là một nỗ lực nhưng hiệu quả của công cuộc tinh giản này chưa cao. Chưa cao là bởi hiệu quả của tinh giản không dừng lại ở số lượng người đã giảm, mà mục tiêu của tinh giản biên chế là tìm ra được ai là công chức “cắp ô” trong nền công vụ. Vậy trong số 800 biên chế đã được tinh giản kia thì ai trong số họ là người không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực kém?

Câu chuyện giảm biên chế chủ yếu là người sắp nghỉ hưu không phải chỉ xảy ra ở Hà Nội. Theo Bộ Nội vụ giai đoạn 2016-2018, cả nước chỉ giảm được 86.300 biên chế, trong đó giảm 12.400 công chức và 73.900 viên chức, người lao động. Trong đó, người về hưu, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế là khoảng 40.500 người. Trong số 40.500 biên chế được tinh giản theo Nghị định 108/2014 thì có 86,3% hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, số biên chế hưởng chính sách thôi việc ngay khoảng 13,5%, số biên chế chuyển sang khu vực không hưởng lương ngân sách chỉ khoảng 0,1%, và nghỉ đi học khoảng 0,07%!

Như vậy, quá trình tinh giản biên chế vẫn phụ thuộc quá nhiều vào số người nghỉ hưu. Mới đây nhất, từ tháng 10/2018 đến ngày 30/6/2019 toàn quốc đã tinh giản được 1.015 người, bao gồm: Cơ quan đoàn thể 1 người, cơ quan hành chính 22 người; đơn vị sự nghiệp công lập là 285 người; cán bộ công chức xã là 57 người, số còn lại thuộc hợp đồng lao động chiếm cao nhất là 650 người và việc tinh giản vẫn theo lối mòn cũ: Chủ yếu tinh giản đối tượng về hưu trước tuổi mà không phải là đưa ra khỏi bộ máy những người hoạt động không hiệu quả.

Tinh giản biên chế, cần phải hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà còn là việc thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức… qua đó bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ. Và muốn đưa người yếu kém ra, thu hút người giỏi vào rất cần sự đánh giá chính xác nhất, nhưng đáng tiếc nếu trông chờ vào bản đánh giá chất lượng công chức cuối năm hiện nay chắc chúng ta sẽ chẳng tìm ra được ai là người không hoàn thành nhiệm vụ.

Vì sao chưa đánh giá đúng chất lượng cán bộ có lý do là nhiều nơi đã có đề án việc làm, nhưng trong thực tế triển khai vẫn phát sinh những nội dung mới cần linh hoạt điều chỉnh. Do đó, việc tinh giản biên chế phụ thuộc rất lớn vào cá nhân người đứng đầu, đòi hỏi họ phải nêu gương, đặt lợi ích chung lên trên; phải thực sự công tâm, trong sáng, gạt bỏ những lợi ích riêng, gạt bỏ mối quan hệ thân hữu. Nếu không vì lợi ích chung thì có thể dẫn đến việc tinh giản không đúng đối tượng. Hơn nữa, để bảo đảm công bằng, tránh những nghi ngại không đáng có, nên tổ chức kỳ thi tuyển minh bạch. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, ai đạt yêu cầu thì ở lại trong bộ máy để tiếp tục cống hiến, còn ai không bảo đảm yêu cầu thì ra khỏi bộ máy, tìm công việc khác phù hợp hơn với trình độ, chuyên môn của mình. Nói cách khác, để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, cũng là khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng.

Song cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế. Từ đó, làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước.

Tóm lại, tinh giản biên chế muốn hiệu quả là phải giảm đi những người thừa, để xác định được người thừa phải căn cứ vào vị trí việc làm. Không phải muốn cắt ở đâu, cắt thế nào cũng được, cắt bừa bãi sẽ dẫn tới tình trạng người làm được việc thì đi, người không làm được việc thì ở lại, hoặc chỉ tinh giản với đối tượng sắp nghỉ hưu để báo cáo thành tích. Nếu tinh giản vẫn theo kiểu đối phó, nặng về thành tích số lượng, sẽ không thể nâng cao chất lượng bộ máy được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh bệnh thành tích trong tinh giản biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO