Tri ân người có công

Lục Bình 26/07/2018 09:00

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những đau thương mất mát bởi chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Hàng năm, cứ đến dịp 27-7, nhân dân cả nước lại tưởng nhớ về những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Tri ân người có công

Chăm lo hương khói cho những Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn.

Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới lại chịu nhiều mất mát do nỗi đau chiến tranh mang lại như ở Việt Nam. Và, ngày 27-7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử cho thấy, trên dải đất hình chữ S này đã chứng kiến những người con đất Việt, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường chiến đấu vì nhân dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “ tất cả vì Tổ quốc thống nhất”.

Ý thức được việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng, cao quý và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kết tinh của truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời nay của nhân dân ta, là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước… thế nên, trong những năm qua, toàn Đảng toàn dân ta luôn chú trọng công tác đền ơn, đáp nghĩa, ưu đãi người có công với cách mạng.

Bằng những nghĩa cử, hành động, việc làm thiết thực chúng ta đã không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Có thể nói, thực hiện chủ trương của Đảng, công tác người có công với cách mạng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách người có công với cách mạng từng bước được mở rộng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả.

Các hoạt động như chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương thắp nến tri ân nhân các ngày lễ, tết thu hút ngày càng nhiều sự tham gia tự nguyện của các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia; góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng. Đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện.

Đến nay, đại đa số người có công đã được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Hiện cả nước có trên 9 triệu lượt đối tượng người có công, trong đó, có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Theo số liệu của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú; 96,5% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng…

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), những ngày này Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và bày tỏ sự tri ân đối với công lao đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, của các thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh - những người đã để lại một phần xương máu tại các chiến trường năm xưa - là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, thể hiện truyền thống, đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Mãi mãi khắc ghi và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới công tác đền ơn đáp nghĩa, đã có nhiều hoạt động tri ân, chăm sóc thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng.

Có thể nói, nhờ sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, ngày 30-4-1975, đất nước giành được hòa bình độc lập. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng đồng lòng, gắng sức, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Hơn 40 năm đã trôi qua, không chỉ đến ngày 27-7 hằng năm mà ngày ngày chúng ta đã cùng chung tay khắc phục hậu quả của chiến tranh, đã dành sự tri ân rất đặc biệt đối với người có công bằng nhiều chính sách thiết thực.

Tuy vậy, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, rất nhiều thương binh vẫn nhức nhối cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, rất nhiều vong hồn liệt sĩ vẫn bơ vơ nơi núi rừng hiu quạnh hay lạnh giá dưới những lòng sông, lòng hồ và rất nhiều những mẹ già đến hôm nay rồi vẫn mòn mỏi ngóng tin con. Chúng ta không được phép quên, mà ngược lại, đất nước ngày càng giàu mạnh thì Đảng, Nhà nước và mỗi người dân càng phải trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng, trân trọng giữ gìn và tri ân các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, xả thân vì nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tri ân người có công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO