Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'

Thanh Giang 24/07/2018 07:30

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua đã cải thiện nhất định môi trường kinh doanh. Thế nhưng, nhiều thủ tục hành chính trói buộc vẫn tồn tại, nạn quan liêu, nhũng nhiễu vẫn chưa thể đẩy lùi trong sự bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh” là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến quyết tâm cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'

Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào quyết tâm cải cách thủ tục hành chính.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến nay có tổng cộng 4 Nghị quyết được Chính phủ ban hành ứng với các năm liên tiếp. Nghị quyết yêu cầu, các Bộ ngành quan tâm đến việc thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ. Tập trung cải cách thủ tục, tháo bỏ rào cản, thanh kiểm tra đồng bộ tránh chồng chéo gây khó cho doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Chính phủ yêu cầu từng Bộ ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể thực hiện cải cách hành chính. Sau vài năm thực hiện, theo số liệu dẫn chứng của Viện Kinh tế Việt Nam, đến giữa năm 2017, số giấy phép và điều kiện kinh doanh theo bộ quản lý ngành vẫn còn gần 5.200 giấy phép và 4.500 quy định điều kiện kinh doanh.

Hiện Chính phủ đã nỗ lực cắt bỏ giấy phép và điều kiện kinh doanh, quy định đến giữa năm 2018, các bộ phải cắt giảm một nửa điều kiện kinh doanh do Bộ đặt ra. Nhận định về những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư cải thiện đáng kể chỉ số minh bạch tăng lên, cơ hội đầu tư giữa các doanh nghiệp bình đẳng hơn. Điều quan trọng nhất, một số thủ tục rờm rà được loại bỏ, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí phát sinh.

Bên cạnh việc đánh giá cao hiệu quả cải cách hành chính, một số vấn đề tồn tại được chỉ rõ, như: Chậm triển khai, vướng mắc ở nhiều điểm, hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp thường xuyên than vãn về rào cản từ thủ tục hành chính. Lý do chủ yếu là “trên sốt sắng thực hiện” nhưng “dưới ì ạch triển khai”. Đơn cử tại TP HCM được xem là một trong những địa phương đi đầu về công tác cải cách thủ tục hành chính, số ngày trung bình thay đổi đăng ký của doanh nghiệp vẫn còn dài, tỷ lệ chờ hoàn tất thủ tục doanh nghiệp cao. Có trường hợp, doanh nghiệp xin giấy phép sửa trụ sở mất 1,5 năm. Ngoài ra, hàng loạt những ách tắc khác đang cản trở doanh nghiệp như: Thủ tục thay đổi đăng ký kê khai doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong đăng ký kinh doanh, tỷ lệ cán bộ am hiểu chuyên môn đăng ký doanh nghiệp còn thấp. Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng và Cục Hải quan TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, công tác cải cách hành chính của thành phố còn hạn chế, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn thực hiện các thủ tục, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh.

Thừa nhận hạn chế, yếu điểm của cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận việc công khai thủ tục hành chính có nơi còn hình thức, một bộ phận cán bộ quan liêu, nhũng nhiễu. Trước đó nói về công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn, lãnh đạo thành phố quan ngại, có ba rào cản kéo giảm sự phát triển của doanh nghiệp. Thứ nhất, 73% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hành chính còn rờm rà, gây mất thời gian của doanh nghiệp. Thứ hai, chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước chiếm 46%. Thứ ba, thái độ, hành vi cán bộ chưa đúng mực, còn nhũng nhiễu chiếm 64%. “Thực tế tôi cũng nhận thấy sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Các cơ quan không vì sự phát triển chung cho doanh nghiệp và người dân. Mỗi cơ quan khư khư giữ quan điểm riêng, không cùng nhau thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi” - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định.

UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả nhận xét của doanh nghiệp về môi trường đầu tư hiện nay hoàn toàn đúng. Bất cập đang tồn tại hiện nay, UBND thành phố “nóng” mà các giám đốc sở “lạnh” là thua. Các chủ tịch quận – huyện sốt sắng thực hiện mà phòng ban “lạnh” cũng khó. Các chuyên gia cho rằng, không riêng TP HCM, tình hình cải cách hành chính hiện nay của cả nước chưa thật sự đạt hiệu quả như mong đợi, mặc dù Chính phủ đẩy mạnh cải cách, chủ động gây áp lực nhưng tiến triển chậm, nhiều thủ tục trói buộc, không ít doanh nghiệp khó khăn ở “tầng giữa”. Tính công khai minh bạch tốt hơn nhưng vẫn yếu. Đặc biệt, trở lực của bộ máy hành chính còn rất lớn, cán bộ chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công cuộc cải cách hành chính để thực hiện. Đây chính là những lý do mà gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 nhưng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể, Việt Nam chưa đạt được trung bình của ASEAN 4 về môi trường kinh doanh. Hiện nay về năng lực cạnh tranh, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN và có khoảng cách khá xa so với Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Mong muốn cải cách hành chính đạt hiệu quả cao hơn, các chuyên gia đề xuất, bộ ngành, địa phương nên thực hiện cải cách thủ tục rốt ráo. Quan trọng nhất là sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa hàng dọc -hàng ngang nhằm giảm thời gian giải quyết hồ sơ. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, cần tăng cường xử lý các hành vi thờ ơ, quan liêu, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Để công tác cải cách hành chính của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đạt hiệu quả thiết thực, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xây dựng, tài nguyên - môi trường. Bên cạnh đó, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO