Trị tham nhũng vặt

Nguyên Khánh 29/06/2019 07:55

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10 của Thủ tướng về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dẫn số liệu khảo sát cho biết: Cứ 10 DN thì có hơn 5 DN phải trả chi phí không chính thức, 6 DN bị nhũng nhiễu.

Bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thì cho rằng: Chúng tôi rất đau xót khi người dân phản ánh tham nhũng vặt xảy ra ở mọi nơi, từ làm giấy khai sinh, xin nhập học, đi chữa bệnh...

Còn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận xét về tình trạng tham nhũng vặt như sau: Dư luận phản ánh người dân, DN phải đưa phong bì lót tay mới được giải quyết công việc, còn không đưa tiền thì không làm. Nhưng có người đưa tiền rồi vẫn không được giải quyết. Thực trạng này có thể là do bôi trơn chưa đủ hoặc cán bộ biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhận tiền lót tay mà không giải quyết! Như vậy, tham nhũng vặt cứ mặc nhiên tồn tại, chưa có dấu hiệu thuyên giảm và đang bào mòn dần niềm tin của từng người dân và cả xã hội.

Vậy từ đâu, do đâu mà xảy ra tình trạng tham nhũng vặt? Tham nhũng vặt là vấn đề khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về thủ tục hành chính, nhưng trước hết là do ý thức trách nhiệm, thói quen, tâm lý từ thời cơ chế xin - cho. Đã là cán bộ công chức, viên chức được nhận lương, được đảm bảo các điều kiện thì phải có trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm đó có nghĩa là anh phải hết lòng phục vụ bởi tiền lương anh nhận được chính là tiền thuế của nhân dân. Thế nhưng, không phải cán bộ nào cũng “hiểu” được hết trách nhiệm tiên quyết này. Thế nên, mới có chuyện dân xin, ta có quyền cho hoặc không cho, không dễ dàng cho để dân muốn được việc họ phải cầu cạnh đến mình. Tham nhũng vặt từ đó mà gia tăng. Phải có phong bì mới được việc. Người dân đã quen với việc chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí nào đó để được việc dù không thích thú gì. Đó cũng là tác nhân làm cho “căn bệnh” này trở nên khó chữa.

Tham nhũng vặt với mỗi người dân nó chỉ là một khoản tiền giá trị không quá lớn nhưng hậu quả của nó đem lại không hề nhỏ. Bởi, tham nhũng vặt nó kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên, từ đó nó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm người dân mất niềm tin đối với cơ quan thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của những công bộc tốt, công bộc đạo đức, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ… Tham nhũng vặt nhưng không phải là chuyện vặt chính ở chỗ đó.

Không thể để tham nhũng vặt hoành hành và có cơ hội tồn tại, muốn vậy phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp để loại bỏ vấn nạn này. Theo đó, dứt khoát phải xóa bỏ việc xin - cho trong nền công vụ. Các cấp chính quyền và công chức cần quán triệt những tiêu chí của nền hành chính phục vụ. Đó là xử sự một cách dân chủ, không chỉ ban hành quyết định mà còn giải thích cặn kẽ rõ ràng các quyết định thấu tình đạt lý. Dân đến cửa quan để được phục vụ, đã là cán bộ công chức thì trách nhiệm chính của họ là phục vụ dân, phục vụ đất nước.

Cán bộ công chức tốt phải là người có tâm, có tầm. Tâm phải đặt lên hàng đầu sau đó mới đến tầm. Có tầm mà không có tâm thì cũng nguy hiểm. Và, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ về hoạt động công vụ để khắc chế những cái “nguy hiểm” ấy, hạn chế được tối đa yếu tố chủ quan của con người tham gia vào quá trình vận hành, xử lý công việc. Theo đó, cần có một quy chế hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch sẽ tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, xử lý của cấp lãnh đạo, người dân, công luận được dễ dàng.

Để loại bỏ tham nhũng vặt, tháng 4/2019 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Chỉ thị đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể như, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ...để nói không với tham nhũng, lãng phí.

Để chống tham nhũng, đặc biệt là loại bỏ thực trạng tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng: Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu của cấp dưới. Chính phủ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân. tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến...). “Đặc biệt, các trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính mới đủ sức răn đe, để loại bỏ tham nhũng vặt ra khỏi cộng đồng”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị tham nhũng vặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO