Trục lợi bảo hiểm

Việt Thắng 03/03/2017 08:00

Khoảng 69.410 tỷ đồng là số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải chi trả cho chi phí khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2016; 5.130 tỷ đồng là số tiền vượt Quỹ khám chữa bệnh bằng BHYT trong năm này. Còn 45 là số tỉnh, thành phố có số chi vượt quỹ được giao, trong đó có tới 9 tỉnh, thành phố có số tiền vượt quỹ lớn hơn 200 tỷ đồng. Là chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước nhưng BHYT lại trở thành “miếng mồi” trục lợi của khá nhiều người.

Năm 2016, ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT cho khoảng 144 triệu lượt người, tăng 14 triệu lượt người, tăng khoảng 19,8% so năm 2015. Nhưng đằng sau con số “nhảy vọt” theo cấp số nhân là những con số “không bình thường”.

Chỉ 8 tháng (từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017), có trên 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc lên đến... 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (ở TP HCM), 197 lần ở 5 nơi (TP HCM, Bình Dương), hay có người trong quý IV/2016 đi khám chữa bệnh 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau.

Một là sự phản ánh thực tế từ những con số “như biết nói”, còn một là sự dối trá, trục lợi đằng sau nó từ việc “đội lốt” người bệnh đi khám nhiều lần để lấy thuốc mang bán kiếm lời. Số tiền mà Nhà nước phải bỏ ra, mà thực chất là tiền của người dân đóng góp với ý nghĩa nhân đạo “người nhiều bù cho người ít” với ý nghĩa cao đẹp toàn dân ai cũng được khám chữa bệnh đang trở thành “miếng mồi ngon” cho những đối tượng trục lợi.

Mà “may thay” 1,2 triệu người bị phát hiện đi khám chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng như chính lời Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh nói (tại phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 1/3 tại Nhà Quốc hội) là nhờ “hệ thống thông tin giám định BHYT” là điều khó chấp nhận. Việc phát hiện được không phải do lực lượng chức năng quản lý nhà nước với bộ máy đang quá đỗi cồng kềnh mà là nhờ “một cái máy”.

Cái sự “may thay” còn hé lộ những con số “chưa bị lộ” khi thực tế đến quý 3/2016 mới có gần 40% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc liên thông dữ liệu lên hệ thống, quý 4/2016 và quý 1/2017 mới đạt 70%. Nghĩa là nếu 30% được trang bị hệ thống, con số trên không dừng ở mức 1,2 triệu người đi khám chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng.

Và số tiền không dừng ở mức hơn 5.130 tỷ đồng bị lộ. Trục lợi từ việc đi khám chữa bệnh đã lộ nhãn, tiền cũng đã mất. Nhưng lại chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai? là điều khó có thể chấp nhận. Mà ở đây liên quan trực tiếp chính đến Bộ Y tế, và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bộ Y tế làm Thông tư hướng dẫn thực hiện nhưng 2 năm chưa ban hành được? Còn Bảo hiểm xã hội mới áp dụng hình thức giám định điện tử trong khi Quốc hội đã ban hành Luật từ năm 2014. Mà nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam “việc kết nối liên thông không phải là khó, mà cơ bản những nơi chậm là nơi chưa ý thức được trách nhiệm của mình với đồng tiền của nhân dân”.

Ăn lương từ ngân sách, trong đó có phần tiền thuế của dân nhưng sao tính chịu trách nhiệm ít đến vậy? Sự bất hợp tác được chính “tư lệnh” ngành Bảo hiểm nhắc đến là một số cơ sở khám chữa bệnh không hợp tác trong việc thực hiện kiểm soát thông tuyến, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hay đằng sau đó lý do chậm liên thông có phần nào có sự móc ngoặc, thông đồng để trục lợi? trong khi đã có nhiều văn bản liên quan như: 1 Nghị định; 2 Thông tư liên tịch; 6 Thông tư của Bộ Y tế trong thực hiện triển khai Luật BHYT.

Khi chưa ý thức được trách nhiệm của mình với đồng tiền của nhân dân, con số trục lợi sẽ tăng dần theo cấp số nhân với sự teo tóp của ngân sách, trong khi những “địa chỉ” chưa được vạch mặt, chỉ tên, quy trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi bảo hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO