Tự chủ bệnh viện

Đức Trân 11/06/2019 08:00

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Nghị quyết “Về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 Bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế”.

Đó là các BV: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các BV; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 25 trong số 42 BV tuyến trung ương (trong đó có 7 bệnh viện trường ĐH) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, tiết kiệm hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách. Bộ Y tế cho hay, năm 2018 ngân sách cấp cho các BV giảm 3.195 tỷ đồng so với năm 2017, riêng các BV thuộc Bộ Y tế giảm 76 tỷ đồng.

Lãnh đạo BV Bạch Mai cho biết từ năm 2015 bệnh viện tự chủ tài chính, đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Năm 2018, BV Bạch Mai thu hút gần 2 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú cho hơn 161.000 trường hợp, thu 4.500 tỷ đồng trong khi chi hơn 3.600 tỷ đồng. Đời sống y bác sĩ được cải thiện, bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao. Hay BV K Hà Nội cũng được Bộ Y tế giao là đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017. Lãnh đạo BV K chia sẻ, doanh thu của BV có mức tăng trưởng tốt, năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%...

Hầu hết các BV được giao tự chủ (nói chung) đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch, thu-chi để tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng mong muốn và sự kỳ vọng của người bệnh và nhân dân. Tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh là người trả lương cho y bác sĩ, vậy nên mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại BV là điều tối quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế trong việc giao tự chủ cho các BV như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu chi... Nhiều cơ sở y tế còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết... làm tăng gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), làm giảm cơ hội được điều trị của những đối tượng không đủ điều kiện về tài chính.

Để tăng doanh thu một số BV tuyến trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, lại có xu hướng mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường vốn các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện, phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở vốn đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua.

Những cái khó trong tự chủ BV cũng đã được các chuyên gia phân tích. TS. Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho biết, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm gần đây cho thấy, tại nhiều BV còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức khu vực tư, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước còn sử dụng tốt, đảm bảo chất lượng cho công tác khám chữa bệnh, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Những tồn tại, hạn chế nói trên xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các BV công lập. Hiện nay, công tác kiểm toán trong lĩnh vực y tế hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các BV công lập để từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Từ những hạn chế nói trên, một yêu cầu đang đặt ra là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực y tế. Trao quyền tự chủ toàn diện cho các BV sẽ giúp các BV trên có những điều kiện thuận lợi hơn khi được tự chủ gần như về mọi mặt, nhưng cũng là áp lực rất lớn khi không còn được “bao cấp”. Có thể thấy, tự chủ BV vẫn luôn là bài toán khó, đòi hỏi sự nỗ lực cao, trong khi các BV tuyến dưới vẫn còn không ít hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ bệnh viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO