Tự nguyện sắp xếp

Hoài Vũ 15/03/2019 08:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp thứ 32, đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Nghị quyết quy định có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC đó là: “Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH”; và “khuyến khích việc sắp xếp các ĐVHC còn lại để giảm số lượng ĐVHC”. Nếu như những trường hợp bắt buộc được coi là “mệnh lệnh hành chính” phải thực hiện thì đối với trường hợp “khuyến khích” mang tính tự nguyện khó có kêu gọi một sự “tự giác” nếu thiếu đi một sự nêu gương của người đứng đầu địa phương.

Đầu tiên phải khẳng định, từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất tới nay, các ĐVHC đã có nhiều lần thay đổi lớn. Quá trình chia, tách ĐVHC các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được thì cũng phát sinh không ít hạn chế khi sự chia nhỏ ĐVHC. Chính vì vậy việc UBTVQH ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 là vô cùng cần thiết và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay khi năm 2018 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã để thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng nêu rõ: Các trường hợp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tuy có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù như: Có vị trí địa lý biệt lập với các ĐVHC khác; Được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp (nếu thực hiện sắp xếp sẽ tạo bất ổn về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, kìm hãm sự phát triển KT-XH) thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa thực hiện sắp xếp.

Xét trên thực tế, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế trong các cơ quan nhà nước như: HĐND, UBND, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương mà còn gồm tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể. Trong khi đó những nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cũng chính vì vậy nên Ủy ban Pháp luật đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Đảng đoàn Quốc hội, sau khi ban hành Nghị quyết này cần có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo thẩm quyền, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các đối tượng có liên quan.

Lâu nay thực tế có nhiều quyết định mang tính chất mệnh lệnh, có chế tài rồi như việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả song đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong kế hoạch đến năm 2021 phải tinh giản 10% biên chế thì kêu gọi một sự “khuyến khích”, “tự nguyện” rất khó có thể trở thành “phong trào” nếu không có sự quyết tâm chính trị cao độ từ người đứng đầu các địa phương.

Vì thế, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021,ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết của Đảng và Quốc hội là những quyết định tối cao cho nên mỗi địa phương phải chấp hành tuyệt đối. Và theo ông, đây là vấn đề rất lớn, quan trọng đòi hỏi sự chấp hành nghị quyết một cách nghiêm minh chứ không đơn thuần chỉ là một sự tự giác chấp hành của cấp dưới đối với cấp trên. Đặc biệt việc đề ra tiêu chí khuyến khích được coi là “tự giác” cũng là vấn đề đáng suy ngẫm để cho địa phương và người dân ý thức được nếu các huyện, xã mà cả 2 tiêu chí về dân số và diện tích đều quá thấp trong khi cũng tiêu ngần ấy tiền ngân sách trong mỗi năm so với huyện xã trên cả nước thì với vai trò là những cán bộ, đảng viên thì nên có một sự tự giác sắp xếp thay vì chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Miếng bánh ngân sách chung đang bị chia nhỏ, phân tán đã nhiều lần được đề cập trong một sự phân bổ mang tính cào bằng làm giảm đi nguồn lực đầu tư bởi điệp khúc “dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”. Thế nhưng khó có thể kêu gọi được một sự “tự nguyện” trong một bộ máy vốn cồng kềnh nhưng không muốn “tự tinh giản”. Điều đó càng đang đặt ra vấn đề về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu tại các địa phương. Bởi sự tự nguyện trong sắp xếp bộ máy cũng chính là “thước đo” để Trung ương đánh giá năng lực hiệu quả của người đứng đầu địa phương dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong, hy sinh vì lợi ích chung. Mà điển hình là “cuộc cách mạng về mặt tổ chức” của Bộ Công an trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế đã được dư luận và nhân dân đánh giá rất cao. Và chính sự tự nguyện, tự giác cũng là tiêu chí để nhân dân đánh giá sự hài lòng của mình đối với bộ máy công quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự nguyện sắp xếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO