Vai trò của dân

Hoàng Mai 27/12/2015 23:15

Cuối tuần trước, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Điểm đặc biệt, vượt ra ngoài khuôn khổ của  một lễ ký kết thông thường, điều quan trọng đó là việc hai cơ quan sẽ cùng nhau tổ chức việc nắm bắt tình hình, tham mưu xử lý  nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh-quốc phòng thì việc khảo sát thực tế, điều tra dư luận xã hội, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, nghiên cứu đề tài, đề án khoa học, tổ

Vai trò của dân

Người Mông ở Hà Giang (Ảnh minh họa).

Cũng trong tuần qua, Chính phủ và một số địa phương đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Tại TP Hồ Chí Minh, tổng kết cho thấy khi triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra hơn 150 vụ án tham nhũng với tổng số hơn 460 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 600 tỷ đồng và 136.000USD. Cơ quan chức năng đã thu hồi cho Nhà nước hơn 40 tỷ đồng và đến nay, quá trình khởi tố điều tra, kết luận không có trường hợp nào bị oan sai phải bồi thường thiệt hại. Trong các loại tội phạm về tham nhũng trong 10 năm qua, số vụ và số bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản” chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 60%)...

Mới đây, khi trả lời báo chí, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, chỉ trong vòng nửa tháng lại đây, 3 số điện thoại đường dây nóng để dân tố cáo tham nhũng nhận được khoảng 200 cuộc gọi tăng gấp hơn 3 lần so với năm trước.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII ĐBQH Lê Như Tiến cũng đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về giải pháp nhằm chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. Theo ĐB này, tại các phiên họp chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều vị ĐBQH đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên là”.

“Các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án trong thời gian vừa qua.”- ông Tiến thẳng thắn nói.

Cả hai ví dụ nêu trên cùng với chất vấn của ĐBQH đều cho thấy một điều, người dân thực sự cũng chưa hoàn toàn thờ ơ với việc tố cáo tham nhũng. Bởi, chất vấn của ĐBQH nhìn từ góc độ nào đó cũng là từ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, rất nhiều nguồn tin của nhân dân rất có giá trị; nếu không, cũng thật khó để có những kết quả khiến người ta “giật mình” vì những phát hiện và xử lý tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh - TP đông dân nhất nước.

Trả lời ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng. Trong các giải pháp ấy, người ta cũng thấy Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc đến việc phải phát huy vai trò của tổ chức Đảng, của các tổ chức đoàn thể và vai trò của cán bộ công chức, viên chức. Phát huy bằng cách nào? Đó là phải giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tố giác hành vi tham nhũng nếu có, đến các cơ quan có thẩm quyền. Các tổ chức đoàn thể và các cấp ủy Đảng có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện tố giác nếu có các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, phát hiện qua kênh thông tin từ dư luận, qua thư tố giác, tố cáo từ dư luận và thông tin từ báo chí.

Từ những đối sách mà Chính phủ đưa ra trước Quốc hội, rõ ràng, việc Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương ký Quy chế phối hợp công tác cho thấy rõ ràng một điều: Vai trò của cử tri và nhân dân, của các đoàn thể chính trị- xã hội đã được nâng lên trong chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Hai cơ quan này từ nay sẽ chỉ đạo công tác giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để làm gì, đương nhiên là để phòng ngừa vi phạm giúp cho cơ quan đoàn thể có thể phát triển lành mạnh, minh bạch, công khai.

Nói thế là bởi, ngay trong Quy chế phối hợp đã nêu rõ: Giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuyên tuyền vận động nhân dân giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ các cấp nhất là cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo, tổ chức hoạt động phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thuộc lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực… Tất cả những điều đó có nghĩa, sẽ phát huy hơn nữa, phát huy tối đa vai trò giám sát của dân cũng như vai trò phản biện xã hội của các cơ quan- tổ chức.

Phát biểu tại Lễ ký Quy chế, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc này lâu nay Mặt trận đã làm nhưng thực hiện ở quy mô nhỏ dựa vào Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng. Như vậy, có thể thấy, với Mặt trận, việc nâng cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không phải là việc mới nhưng rõ ràng, với việc ký Quy chế phối hợp công tác cùng Ban Nội chính Trung ương, rõ ràng, vai trò giám sát của cộng đồng, của người dân sẽ được nâng lên- và đây chắc chắn sẽ luôn là một kênh quan trọng trong giám sát cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO