Vẫn nóng chuyện dạy thêm

Nam Việt 29/08/2016 10:10

Khi khai giảng năm học mới đến gần, dư luận lại một lần nữa ồn ào bởi chuyện dạy thêm-học thêm. Nói như giới chuyên gia giáo dục thì bản chất câu chuyện là ở phạm trù “dạy thêm” chứ không phải là “học thêm”. Vì học nhiều thì có gì phải lên án; còn các trường, thầy cô ép học trò phải học thêm để họ kiếm thu nhập kha khá mới là chuyện đáng bàn.

Nhiều người cho rằng từ nay không nên ghép việc học thêm của học trò với việc dạy thêm của thầy, để trò tránh bị tiếng oan. Và việc có cho dạy thêm hay không nên để Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành “chốt” là hợp lý nhất.

Vẫn nóng chuyện dạy thêm

Học thêm đôi khi cũng "quá tải".

Càng gần đến ngày khai giảng, người ta lại càng nói nhiều về việc dạy thêm-học thêm, với hai luồng ý kiến. Thứ nhất, dạy thêm có vi phạm pháp luật không? Nếu không thì không được cấm. Nhà giáo dạy thêm có nghĩa là làm thêm bằng chính nghề của mình là lành mạnh, còn hơn là buộc họ phải làm thêm những công việc khác nhằm bù đắp thu nhập, mất hình ảnh nhà giáo.

Thêm nữa, học thêm là nhu cầu có thực, nhất là đối với khu vực thành thị. Nhiều ông bố bà mẹ coi việc con đi học thêm cũng gần với việc có người chăm nom con vì mình quá bận việc. Mục đích này đôi khi còn cao hơn cả việc bồi bổ thêm kiến thức cho con. Đó là luồng ý kiến “bênh” dạy thêm.

Luồng ý kiến thứ hai cũng “kịch liệt” không kém khi cho rằng dạy thêm-học thêm tràn lan làm hỏng cả thầy lẫn trò. Thầy ép trò phải học thêm, học thêm quá nhiều lu bu ngày này sang ngày kia, “tước” mất tuổi thơ của trò, làm đầu óc trò mụ mị vì ngộ chữ. Thầy cô biến thành người kiếm tiền, còn học trò thì trở thành những con gà công nghiệp.

Nhìn lại, có thời kỳ “phe” lên án dạy thêm-học thêm thắng thế, và tới nay vẫn còn “đầy sức mạnh”. Cũng là do nạn dạy thêm ghê gớm quá, môn nào thầy cô cũng ép trò học thêm, lại ép cả phụ huynh làm đơn tự nguyện “nhờ” thầy cô dạy thêm cho con mình. Tiền nong cũng thu vô tội vạ, chết con nhà nghèo.

“Phong trào” này cũng làm rạn nứt tình đồng nghiệp của người làm thầy, vì làm nảy sinh ghen tị giữa người dạy môn chính thì dạy thêm nhiều, còn người dạy môn phụ chỉ “ăn lác đác”. Thu nhập chênh lệch dẫn đến thầy cô bì tị nhau để rồi chính một bộ phận giáo viên lên tiếng đòi cấm dạy thêm.

Để xử lý việc dạy thêm-học thêm được coi là vấn nạn, có địa phương thực hiện rất ráo riết: cắt cử người theo dõi để bắt quả tang thầy đang dạy thêm, lập biên bản xử lý kỉ luật.

Cái gì cũng có ngưỡng cả, sự rầm rộ của dạy thêm-học thêm cũng như việc truy xét nó rồi cũng lắng xuống. Xã hội đã bình tình tĩnh hơn khi nhìn nhận vấn đề, và bản thân ngành giáo dục cũng thấy cần có một giải pháp thỏa đáng để người thầy không bị mang tiếng và nhu cầu có thực là học thêm vẫn được thực hiện.

Đáng chú ý, trên mạng xã hội nhiều người đã lên tiếng ủng hộ dạy thêm. Một phụ huynh có 2 con đang đi học phổ thông viết: “Dạy học cũng là một nghề, người làm nghề thì có quyền tăng ca như tất cả các nghề khác, không thể cấm đoán người ta làm thêm được. Nhà trường chỉ có quyền quản lý giáo viên trong giờ làm việc, ngoài giờ làm việc thì không được can thiệp vào đời tư của người khác.

Cũng như bác sĩ được quyền mở phòng mạch, ca sĩ được chạy sô thì sao giáo viên lại không được dạy thêm?” Ý kiến này nhận được nhiều bình luận, trong đó có lưu ý giáo viên được dạy thêm nhưng không được lạm quyền để trục lợi. Những giáo viên trên lớp thì dạy “bớt chữ” để buộc học trò phải học thêm cần phải bị lên án. “ Nếu con bạn bị đì trong lớp vì không học thêm hoặc học giỏi mà không được lãnh thưởng, bạn có quyền tranh luận với giáo viên, giám hiệu để đòi lại quyền lợi cho con”- một ý kiến bình luận.

Cũng phải nói thêm rằng, câu chuyện rất nóng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Tại TP HCM, cách đây vài tháng có dự định cấm triệt để dạy thêm-học thêm, thì một cô giáo dạy học ở ngoại thành đã viết một bài báo, trong đó nói rõ rằng: Tôi dạy (thêm) hết 5 buổi tối trong tuần, nhiều hôm 9h tối mới xong, nhưng một tháng chỉ kiếm thêm được khoảng 7 triệu, về tới nhà là bơ phờ.

Ai chẳng muốn sau giờ làm việc được ở nhà chăm con, vui vẻ cùng gia đình. Nhưng vui nổi không nếu trong đầu cứ quanh quẩn cơm áo gạo tiền? Giáo viên nào không dạy thêm thì kiếm đủ nghề tay trái để có thêm thu nhập. Nếu quyết làm triệt để vụ dạy thêm, học thêm thì tôi mong cũng làm triệt để việc chăm lo cải thiện đời sống giáo viên luôn”.

Nhiều ý kiến của chính giáo viên và phụ huynh TP HCM cho rằng, với việc dạy thêm-học thêm, càng cấm càng khó quản. Vì rằng, với nhu cầu có thực, cấm sẽ làm nảy sinh biến tướng. Ngay cả việc cấm dạy thêm trong nhà trường, không cấm dạy thêm bên ngoài phụ huynh cũng băn khoăn, vì nếu học thêm trong nhà trường, mức học phí trung bình 300.000-400.000 đồng/tháng với 3-5 môn học; thì học thêm ở ngoài nhà trường (tại các trung tâm) học phí sẽ tăng hơn trung bình 1,5 lần. Chính vì thế mà tại một buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, thời gian qua đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận về vấn đề này, nhất là trong phụ huynh và giáo viên.

Do đó, Sở phải có lộ trình thực hiện một cách chặt chẽ, có những chỉ đạo phù hợp với thực tế để tránh gây bức xúc trong giáo viên và phụ huynh. Chưa hết, tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố này, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn người đứng đầu Sở GD&ĐT: Tại sao Thông tư 17 (của Bộ GD-ĐT) không cấm giáo viên dạy thêm, học thêm nhưng Sở lại cấm, dẫn đến phụ huynh học sinh băn khoăn?

Chúng ta cấm trong nhà trường thì các trung tâm dạy thêm bên ngoài nở rộ. Vậy Sở có kế hoạch gì kiểm tra các trung tâm đó trong khi dạy thêm tại trường chúng ta kiểm soát được. Bên cạnh đó, giáo viên dạy thêm trong nhà trường có thêm thu nhập còn nếu không cho học dạy thêm thì có biện pháp gì đảm bảo cho giáo viên đủ sống không?

Còn tại Hà Nội, chia sẻ trên mạng xã hội, một học sinh viết: “Bản thân con là một học sinh con biết, nếu con không đủ “thông minh, kiên nhẫn, tri thức, tính tự giác” thì việc con không đi học thêm mà vẫn muốn có kết quả tốt hầu như là không thể”. Cách đây chưa lâu, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, dù có địa phương cấm dạy thêm-học thêm nhưng Hà Nội thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT là không cấm, mà chỉ phân cấp quản lý.

Ông Chánh thanh tra cũng cho biết, tại Hà Nội, UBND thành phố đã có Quyết định 22/2013/QĐ-UBND. Theo đó, để cấp phép dạy thêm học thêm trong nhà trường từ cấp trung học cơ sở trở xuống thuộc quận huyện quản lý. Cấp trung học phổ thông do Sở GD-ĐT quản lý, còn việc quản lý học thêm ngoài nhà trường dưới dạng các trung tâm thì cần phải có phối hợp với chính quyền địa phương.

Nói tóm lại, dạy thêm-học thêm cần phải được nhìn nhận một cách thực tế, đúng với địa phương mình. Như ý kiến cho rằng “cấm” hay “cho” thì cứ dựa vào HĐND- như thế sẽ được cả lý lẫn tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn nóng chuyện dạy thêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO