Vì sao pháo vẫn nổ?

Lê Anh Đức 06/03/2020 07:30

Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, đồng thời ra quyết định tạm giữ hình sự đối với một người đàn ông vì hành vi đốt pháo trong đám cưới. Việc người đàn ông đốt bánh pháo dài đến cả 10m gây bức xúc trong xã hội những ngày qua. Dư luận cho rằng hành vi này là sự ngông nghênh, coi thường pháp luật nên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh, nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.

Trước đó, ngày 2/3, một tài khoản facebook đăng tải video một người đàn ông cầm một cuộn pháo hình tròn rải thành 3, 4 dãy dài trước vỉa hè nhà có đám cưới, tại xã Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Hình ảnh trên đoạn video còn cho thấy, dọc lối vào bên trong đám cưới gia đình này còn treo hai dãy pháo khá dài. Sau khi đốt, xác pháo đỏ vương vãi cả một đoạn vỉa hè quốc lộ. Ngay sau khi đoạn video trên được đăng tải, cư dân mạng tỏ ra vô cùng giận dữ với hành vi “coi trời bằng vung” này.

Tất nhiên, thực tế không chỉ có một người nói trên đốt pháo, mà ở một số nơi, lúc này hay lúc khác cũng vẫn có người đốt pháo. Đơn cử như Tết Nguyên đán Canh Tý vừa rồi, cũng có nhiều địa phương xảy ra hiện tượng đốt pháo. Riêng tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã phải xử lý đối với 175 trường hợp đốt pháo nổ trong dịp Tết. Song, thực sự là chưa ai có lá gan to như anh chàng có tên là Trần Văn Khang ở Phủ Lỗ, đốt pháo dài đến cả 10m trong một đám cưới đông đúc như vậy.

Hiện, có hai văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Đó là Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Chiếu theo quy định của 2 Nghị định này, hành vi đốt pháo nổ bị nghiêm cấm, nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm cụ thể và hậu quả xảy ra, người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công công hoặc tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Chiếu theo các quy định của pháp luật, hành vi đốt bánh pháo dài đến 10m ở trong đám cưới đông người, lại được phát tán hình ảnh lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu, thì không thể chỉ xử lý hành chính như những trường hợp khác. Do vậy, việc cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn đúng luật. Lâu nay, dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, nhưng việc xử lý những người đốt pháo nổ vẫn còn xuê xoa, nương nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Hầu như chưa có ai bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về hành vi đốt pháo nổ nên nhiều người chưa biết sợ.

Song, nói đi cũng phải nói lại, đương nhiên người nào có hành vi đốt pháo nổ phải bị chế tài, nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng không hề nhỏ. Hiện, các cơ sở, làng nghề chuyên sản xuất pháo nổ đã bị cấm và chuyển sang nghề khác, vậy người dân lấy pháo nổ ở đâu để đốt? Tất nhiên là do một số nơi sản xuất chui mà chính quyền địa phương không phát hiện được, nhưng nguồn cung chủ yếu vẫn là pháo nổ nhập lậu qua biên giới. Trách nhiệm của hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường... là ngăn chặn buôn lậu qua biên giới. Vậy tại sao pháo nổ vẫn có thể thẩm lậu vào thị trường nội địa?

Trong các báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh bao giờ cũng liệt kê đã bắt được bao nhiêu vụ vận chuyển pháo nổ. Song, thực tế số lượng pháo nổ mà lực lượng liên ngành các tỉnh thành phố bắt giữ được tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở... chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều đó giải thích tại sao người dân có thể dễ dàng mua pháo, đốt pháo nổ đến vậy. Mấy năm trước thì tình hình đốt pháo nổ còn lác đác, song Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua thì việc đốt pháo nổ là rất đáng lo ngại. Nếu không thực sự chặn được nguồn cung thì khó mà kiểm soát được người sử dụng.

Trở lại câu chuyện người đốt bánh pháo dài đến 10m tại đám cưới. Nếu ai đã từng đốt pháo (thời gian chưa có lệnh cấm đốt pháo) thì hẳn đều biết để đốt bánh pháo dài như vậy cũng sẽ tốn thời gian. Từ thời gian rải (hoặc treo) pháo, đến thời gian pháo nổ đủ để chính quyền địa phương, tổ dân phố có thể tới để ngăn chặn. Song, việc người đàn ông rải pháo để đốt không gặp bất cứ trở ngại nào từ những người có mặt tại đám cưới, tổ dân phố, cũng như chính quyền địa phương. Nếu chủ nhà, người dự đám cưới can ngăn, hay tổ dân phố, hoặc chính quyền xã can thiệp kịp thời, có lẽ người đốt pháo đã không phải vướng vòng lao lý!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao pháo vẫn nổ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO