Vui mừng nhưng không chủ quan

Bắc Phong 24/04/2020 08:14

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, sống trong trạng thái có dịch nhưng chúng ta đã chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội.

Vui mừng nhưng không chủ quan

Đeo khẩu trang ra đường vẫn rất cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Những ngày qua, cả nước căng thẳng và hồi hộp trong lúc dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Kể từ ngày 1/4, với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, với phương châm tỉnh nào ở tình đó, huyện nào ở huyện đố, xã nào ở xã đó, nhà nào ở nhà đó. Sau 3 tuần thực hiện quyết liệt, kết quả chống Covid-19 của nước ta là rất đáng ghi nhận: Đã không có điểm dịch.

Trước đó, việc xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng không khỏi gây hoang mang. Đặc biệt, với những ca F0 không truy được nguồn gốc gây bệnh. Rồi tới lúc Bệnh viện Bạch Mai- bệnh viện hàng đầu tuyến cuối cũng có ca Covid-19 buộc phải phong tỏa, cách ly. Rồi ngay cả một bản xa xôi hẻo lánh ở vùng núi cao cũng có ca Covid-19. Không lo sao được!

Nhưng với quyết tâm cao, thống nhất từ trên xuống dưới, đến tận từng người dân, cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất ca nhiễm SARS-CoV-2. Các ca bệnh Covid-19 được chữa khỏi ngày một nhiều. Cả một tuần liền không có ca bệnh mới. Đó phải nói là điều diệu kỳ!

Cũng chính vì thế Thủ tướng Chính phủ đã quyết định từ 0 giờ ngày 23/4, áp dụng chế độ mới trong phòng, chống Covid-19. “Mở cửa” trở lại nhưng vẫn không được chủ quan, vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn mới “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết không để dịch xâm nhập trở lại. Đây là giai đoạn phải phòng chống dịch tốt nhưng cũng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay, bên cạnh việc ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới.

Nới lỏng một cách thận trọng, không lơ là, chủ quan. Đó chính là việc phải làm trong giai đoạn này.

Như vậy là kể từ 0 giờ ngày 23/4, trên thực tế diễn biến và kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã nới lỏng những biện pháp mạnh mẽ trong Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều ra khỏi nhóm “nguy cơ cao”, chỉ còn 2 huyện Thường Tín, Mê Linh của Hà Nội, 1 huyện của Hà Giang và một khu sản xuất của Bắc Ninh là vẫn phải triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch, cho đến khi tình hình mới với những biến chuyển tích cực.

Như vậy, với quyết định chiều 22/4 của Thủ tướng Chính phủ, đất nước đã “mở cửa” trở lại. Đó là tin quá vui mừng với tất cả mọi người. Nhưng, trong niềm vui chung ấy, một lần nữa vẫn cần phải nhắc lại đó là cảnh giác- cảnh giác với sự bất ngờ của dịch bệnh. Dẫu chúng ta đã có những biện pháp tốt ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh, đã có phác đồ điều trị hiệu quả nên tới nay không có ca bệnh nào tử vong; nhưng không được quên tới nay thế giới vẫn chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị Covid-19. Có nghĩa là dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào, âm ỉ trong cộng đồng để bùng phát bất cứ lúc nào. Mà điều đó thì không ai muốn.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ mở lại. Các trường học các cấp trong cả nước với 22 triệu học sinh sẽ rộn rã trở lại. Người ra đường, người đến nơi làm việc, đến trường… sẽ rất đông. Do đó, việc mỗi một người nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng càng phải cao hơn.

Các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục, đó là niềm vui lớn. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo dịch bệnh. Trên thế giới, cũng đã có quốc gia sau khi “mở cửa” trở lại thì dịch bệnh lại tái diễn. Không tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên rửa tay… vẫn là cách tự bảo vệ mình và cũng là bảo vệ cộng đồng của mỗi người.

Và, bên cạnh việc cảnh giác với dịch bệnh thì cũng rất cần cảnh giác với căn bệnh chủ quan trong mỗi chúng ta, bởi sau khi lệnh giãn cách xã hội được dở bỏ về cơ bản thì do “vui quá” nên đã mất cảnh giác. Không ai cấm được niềm vui khi xã hội không còn giãn cách, nhưng cũng không thể vì thế mà quên rằng dịch Covid-19 vẫn còn, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn hết sức căng thẳng và sự tấn công của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể xuất hiện ở nơi bất ngờ nhất, lúc bất ngờ nhất. Lúc đó “niềm vui ngắn chẳng tày gang”…

Vui nhưng không chủ quan, bật lên trong sản xuất kinh doanh, đó chính là điều phải làm trong lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vui mừng nhưng không chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO