Xoa dịu nỗi đau da cam

Kiên Long 10/08/2019 07:00

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, trong đó có nỗi đau da cam. Chất độc hoá học da cam do Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, những con người ngày ấy mà di chứng đến nhiều thế hệ. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm cùng cả xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau, nhưng còn đó nhiều bất cập và những vết thương cần phải sớm bù lấp.

Khó có thể xác định được hết hậu quả từ chất độc da cam, những đối tượng chịu ảnh hưởng, khó có chính sách nào khoả lấp hết những nỗi đau. Cùng với thời gian, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các quy định, chính sách liên quan dần hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đủ, chưa kịp thời.

Theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng được xác định bị nhiễm: “Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/6/1961- 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học ở chiến trường B,C, K (kể cả 10 xã : Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thuỷ thuộc huyện Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị”. Và như vậy, người bị phơi nhiễm, ảnh hưởng của chất độc da cam rất lớn. Qua thống kê sơ bộ cũng có khoảng gần 5 triệu người bị phơi nhiễm, và có khoảng 3 triệu người là nạn nhân.

Cho đến nay, chính sách về chất độc da cam cũng chỉ mới giải quyết ở các đối tượng thuộc người có công. Đó là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng công an nhân dân; cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thanh niên xung phong tập trung; công an xã, dân quân, du kích tự vệ, dân công, cán bộ thôn, ấp, xã phường.

Đồng thời điều kiện để được hưởng chính sách là những người mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm giảm khả năng lao động từ 21% trở lên ; vô sinh; sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định. Chưa nói đến tổng thể, chỉ với số người thuộc các đối tương quy định như trên cũng khá lớn. So với con số hơn 320 ngàn người được hưởng chính sách chất độc da cam hiện nay, vẫn còn hàng trăm ngàn người chưa được hưởng chế độ. Ngay đối với thanh niên xung phong cũng còn hàng chục ngàn người chưa được hưởng chính sách, do nhiều bất cập khác nhau như mất giấy tờ, giấy tờ không ghi rõ đơn vị, phiên hiệu, đơn vị, do hoàn cảnh khó khăn chậm làm thủ tục; do việc xác định bệnh tật..v.v..

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động vì nạn nhân chất độc da cam. Ngày 1/6/2012,Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 651/QĐ-TTg về kế hoạch quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học, định hướng đến 2020, xác định mục tiêu 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi; Chỉ thị số 43-CT/TƯ ngày 15/4/2015 của Ban Bí thư đã yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Chỉ thị 14-CT/TƯ ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư tiếp tục nêu rõ thêm việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ ba... Hội Nạn nhân chất độc da cam được thành lập từ năm 2004 đã có nhiều hoạt động tích cực. Bộ Y tế cũng đã sớm hoàn thiện danh mục gần 200 bệnh tật liên quan từ ảnh hưởng chất độc da cam…

Chất độc hóa học da cam đến nay đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba, nhưng các cháu lại chưa được hưởng chế độ, chính sách. Các cháu ở thế hệ thứ ba càng bị thiệt thòi do ông bà, bố mẹ đều là nạn nhân luôn ốm đau, bệnh tật, đều có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chăm sóc các cháu. Nhiều cháu là cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là nạn nhân nhưng chưa được đưa vào khung chính sách ưu đãi người có công, mà chỉ được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội với mức trợ cấp thấp. Mặc dù Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam đã nhiều lần kiến nghị. Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn còn quá chậm, nhiều cháu ra đi sớm, không được hưởng chính sách ưu đãi.

Các đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hóa học, nhất là người có công với cách mạng đến nay đa số đều tuổi đã cao, nhưng nhiều người vẫn chưa được hưởng chế độ. Trong khi đó, lợi dụng chính sách, lợi dụng sự khó khăn khi xác định đối tượng, không ít người đã giả hồ sơ để trục lợi. Đặc biệt, là các cháu nhỏ, thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng, nhưng chính sách chưa theo kịp nên các cháu bị thiệt thòi rất lớn.

Cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng chính sách nói chung, đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng. Trước hết phải khẩn trương, sớm hoàn thiện chính sách, tháo gỡ các trường hợp như mất hồ sơ, giấy tờ, sớm đưa các cháu bị ảnh hưởng thế hệ thứ ba vào khung ưu đãi, hưởng các chính sách như với con đẻ..v.v.Với các chính sách cụ thể, kịp thời sẽ là những liều thuốc xoa dịu nỗi đau da cam, nỗi đau khôn cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xoa dịu nỗi đau da cam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO